Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy nhanh nhân giống mì kháng bệnh khảm lá  

Cập nhật ngày: 07/04/2022 - 10:12

BTNO - Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, Tây Ninh có trên 55.000 ha trồng mì, tập trung ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu. Trong đó, khoảng 46.000 ha mì- chiếm hơn 80% diện tích- bị nhiễm bệnh khảm lá.

Mô hình nhân giống mì kháng bệnh khảm lá giống HN5 tại huyện Tân Châu.

Bệnh khảm lá trên cây mì xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017, chưa có thuốc đặc trị. Cây mì nhiễm bệnh sẽ bị xoăn lá, giảm quang hợp, từ đó làm giảm sản lượng củ và chất lượng tinh bột, gây ảnh hưởng đến năng suất canh tác mì của tỉnh nhiều năm qua. Để duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mì, từ năm 2018, Sở NN&PTNT Tây Ninh phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ NN&PTNT) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) nghiên cứu, thử nghiệm các giống mì sạch bệnh, có tính kháng bệnh khảm lá.

Kết quả, đến cuối năm 2021, đã xác định được hai giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá hoàn toàn là HN3, HN5 và một số giống có triển vọng như HN1, C80... Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang xây dựng dự án hoàn thiện quy trình canh tác và nhân giống mì HN3, HN5 trên đồng ruộng được khoảng 60 ha, ước tính chỉ chiếm khoảng 1% so với nhu cầu thực tế của nông dân trong tỉnh.

Đối với những giống mì mới, có kết quả ban đầu khả quan và được Bộ NN&PTNT cho phép phổ biến, từ đầu năm 2022, số lượng cây giống còn ít nên Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nhân giống trong nhà màng.

Cây mì được nhân giống trong nhà màng.

Hiện đã triển khai thực hiện 4 nhà màng, mỗi nhà khoảng 40m2 có thể trồng từ 40 đến 50 cây giống, sau 6 tuần, cây giống mới sẽ được cắt đợt 1 và chuyển sang giá thể để ươm thêm khoảng 1 tháng thì mang ra trồng trên đồng ruộng.

Theo ông Tùng, ưu điểm của phương pháp ươm giống này là thời gian nhân giống nhanh, dễ áp dụng với những giống mì được công nhận sau khảo nghiệm và có ít cây giống. Ước tính, trong 1 năm, mỗi nhà màng có thể cho ra một lượng cây mì giống đủ trồng cho 1 ha ngoài đồng ruộng. Bên cạnh đó, việc trồng trong nhà màng sẽ bảo đảm nguồn giống sạch bệnh ngay từ ban đầu.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc thực hiện mô hình khảo nghiệm các giống mì kháng bệnh khảm lá đối với 7 giống mì mới, với diện tích thực hiện 0,8 ha tại xã Bình Minh, TP. Tây Ninh. Cây giống đã được 4 tháng tuổi, sinh trưởng ổn định, các cơ quan chuyên môn đang theo dõi đánh giá tính kháng bệnh, năng suất, chất lượng.

Theo đuổi nghề trồng mì hơn chục năm qua, ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành) cho biết, từ khi dịch khảm lá bùng phát vào năm 2017, ruộng mì của ông và các hộ xung quanh đều nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhờ tăng cường bón phân, tưới nước, năng suất ruộng mì của ông Tiến giảm không đáng kể.

Theo ông Tiến, những năm gần đây, giá mì thương phẩm ổn định nên người dân chuyển đổi từ cây mía sang trồng mì rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết giống mì trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận đều nhiễm bệnh khảm lá.

Ông Dương Thanh Phương – Cán bộ phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu chỉ cây mì đã được chặt hom từ lúc 6 tháng để nhân giống.

Cây giống mang mầm bệnh nên vừa nảy mầm, nhiều cây đã bị quăn đọt, chậm phát triển, nông dân phải tăng cường phun xịt thuốc, bón phân gấp đôi thì cây mì mới bung lá, nhưng đến cuối vụ, năng suất chỉ bằng 80% so với trước đây. 

“Tôi nghe nói có hai giống mì mới kháng được bệnh khảm lá đang được nhân giống, mong các cơ quan chức năng sớm triển khai để nông dân có giống mì sạch bệnh, an tâm sản xuất”- ông Tiến nói.

Còn theo ông Bùi Công Ngọc, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, cây mì bị bệnh khảm lá khiến chi phí chăm sóc nhiều hơn mà năng suất, tinh bột lại giảm, lợi nhuận mang lại cho nông dân không cao.

Ông Ngọc được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc chọn làm đối tác chuyển giao trồng và nhân hai giống mì HN3, HN5.

Qua khảo nghiệm thực tế trên đồng ruộng, cả hai giống mới đều không xuất hiện bệnh khảm lá. So với những giống mì cũ như HL11, KM140 và KM419… giống mì này chẳng những kháng được bệnh khảm lá mà còn có phần vượt trội hơn về tốc độc sinh trưởng, chất lượng chữ bột có thể đạt từ 28-30 điểm, năng suất khoảng 40 tấn/ha, cao hơn so với giống cũ, lại ít tiêu tốn phân bón, gần như không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, cây mì lớn nhanh, tán rậm, hạn chế cỏ dại nên nhẹ công chăm sóc.

Ông Dương Thanh Phương- cán bộ phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu cho biết, để đẩy nhanh nhân giống những giống mì kháng bệnh khảm lá, hiện trạm áp dụng hai phương pháp, gồm: nhân trong nhà màng và nhân trên đồng ruộng.

Ruộng mì HN5 và HN3 mới được trồng bằng cách chặt ngang cây từ lúc 6 tháng tuổi.

Trong đó, những giống như HN3, HN5 được nhân trực tiếp ngoài đồng ruộng, sau 6 tháng trồng, lứa cây đầu tiên được chặt ngang, chừa lại thân và gốc cách mặt đất khoảng 30 – 40cm, số cây giống thu được từ 1 ha sau lần đầu này được nhân lên trồng cho 10 ha. Phần gốc còn lại sẽ tiếp tục được chăm sóc thêm 6 tháng, lúc này cây mì được nhổ gốc, thu hoạch củ, đồng thời sử dụng phần nhánh phát triển để tiếp tục nhân giống.

Theo ông Phương, ưu điểm của phương pháp nhân giống chặt đôn cây giúp cho diện tích cây mì giống từ 1 ha có thể tăng 30 ha chỉ trong 1 năm, gấp 3 lần so với cách nhân giống thông thường.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cây mì là một trong những cây trồng chính của người dân Tây Ninh.

Dịch khảm lá trên cây mì thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây mì. Để chủ động nguồn cây giống phục vụ sản xuất trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tạo điều kiện cho Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh chủ trì, triển khai nhiệm vụ khuyến nông đặc thù “Xây dựng mô hình nhân nhanh giống mì kháng bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2022-2024”; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp tuyên truyền, tập huấn, giới thiệu, cập nhật những kết quả mô hình trong quản lý, hạn chế sự lây lan của bệnh khảm lá mì, tạo sự ổn định cho ngành mì trong tương lai.

Minh Dương