Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn 

Cập nhật ngày: 24/10/2022 - 05:58

BTN - Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, nhiều dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được UBND tỉnh triển khai quyết liệt.

Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sắp hoàn thành, sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 17.000 héc-ta đất nông nghiệp của hai huyện Châu Thành và Bến Cầu

Đầu tư công được xem là động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương.

Để bảo đảm đạt mục tiêu đề ra về giải ngân đầu tư công, vừa qua, HĐND tỉnh thực hiện chuyên đề giám sát về công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tập trung nguồn lực cho đầu tư công

Giai đoạn 2016-2020, nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức và tỷ lệ phân bổ vốn đã được HĐND tỉnh ban hành; cùng với việc thực hiện các giải pháp về khai thác các nguồn thu, cơ cấu lại nguồn chi, tập trung vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt, phù hợp với khả năng nguồn vốn đầu tư.

Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm, UBND tỉnh thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các dự án giải ngân thấp, chậm tiến độ sang các dự án giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án; bảo đảm việc sử dụng vốn hiệu quả và bảo đảm giải ngân ở mức cao nhất kế hoạch vốn được giao.

Trong giai đoạn 2016-2020, công tác đầu tư công của tỉnh đã có những bước đột phá và tạo sự chuyển biến tích cực về đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các mục tiêu cụ thể về hạ tầng: giao thông, cung cấp điện, thuỷ lợi, đô thị và hạ tầng các xã nông thôn mới, khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch... Hầu hết tất cả các dự án trọng điểm, huyết mạch, xương sống, mang tính kết nối lan toả của tỉnh đã và đang thực hiện phát huy hiệu quả.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 là 15.872 tỷ đồng, đã giải ngân 14.384 tỷ đồng, đạt 90,63% kế hoạch, với 236 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng số vốn thực hiện là 10.451 tỷ đồng. Tất cả các dự án đầu tư công hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn này đều phát huy hiệu quả sử dụng và đúng mục tiêu theo quyết định chủ trương đầu tư, không có trường hợp chưa phát huy hiệu quả hoặc còn hạn chế về yêu cầu sử dụng.

Giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh được phê duyệt là 23.745,707 tỷ đồng (tăng 49,6% so với giai đoạn 2016-2020) thực hiện là 201 dự án (31 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 và 170 dự án khởi công mới), tập trung vào các dự án trọng điểm, các dự án có tính lan toả, kết nối vùng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn là 2.502 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách tỉnh và 16 dự án có tính quan trọng, lan toả, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư với tổng mức vốn là 2.522 tỷ đồng chiếm 16,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.

Trong 2 năm 2021 và 2022, tổng kế hoạch vốn được giao là 8.720,099 tỷ đồng, đạt 35,8% kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tính đến ngày 30.6.2022, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 5.873 tỷ đồng, đạt 67,35% kế hoạch. Có 115 dự án đã triển khai thực hiện, trong đó, 62 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Dự án thành phần 2- tuyến đường ĐT.787B thuộc Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 đang được triển khai thi công

Còn nhiều hạn chế

Nhìn chung, so với giai đoạn 2016-2020, việc phân bổ vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 tăng, bảo đảm phù hợp dự kiến nguồn thu ngân sách của địa phương, nhu cầu và dự báo khả năng huy động, cân đối các nguồn vốn đầu tư phát triển 5 năm và hằng năm, trong đó tập trung ưu tiên phân bổ vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của tỉnh, chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển của địa phương vẫn chưa như mong muốn, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh được đề xuất là 16.151,372 tỷ đồng, thực hiện 258 dự án, gấp khoảng 1,58 lần so với ngân sách tỉnh quản lý (10.210,785 tỷ đồng). So với khu vực trọng điểm phía Nam, vốn dành cho đầu tư công của Tây Ninh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hạn chế do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga-Ukraine, biến động giá cả xăng, dầu thế giới dẫn đến giá cả hàng hoá, dịch vụ gia tăng, nhất là các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất; công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý đầu tư có lúc, có nội dung còn hạn chế, thiếu quyết liệt; một số sở, ngành còn chưa chủ động tham mưu để tổ chức thực hiện.

Qua khảo sát thực tế một số công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn cho thấy, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng vẫn còn chậm, nhiều dự án thuộc danh mục chuẩn bị đầu tư chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; đề xuất chủ trương đầu tư được lập chủ yếu trên cơ sở đánh giá sơ bộ, việc tổ chức thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được thực hiện chủ yếu thông qua tổ chức cuộc họp lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản.

Bên cạnh đó, đơn giá bồi thường chủ yếu dựa vào đơn giá do cấp có thẩm quyền điều tra, khảo sát, xây dựng tại thời điểm lập hồ sơ đề xuất và rơi vào giai đoạn có sự biến động về giá giao dịch bất động sản (sốt đất), nên đôi khi chưa sát với điều kiện thực tế, dẫn đến dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần; có trường hợp dự án thay đổi khối lượng đầu tư so với chủ trương đầu tư được duyệt hoặc phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Việc triển khai thi công đầu tư, xây dựng một số công trình, dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ so với kế hoạch phê duyệt, phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện, vướng công tác giải phóng mặt bằng; một số công trình đầu tư chưa đồng bộ, thiếu kết nối, chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư hoặc mới bàn giao sử dụng nhưng có vị trí, khu vực bị hư hỏng, xuống cấp; công tác thanh toán, quyết toán một số dự án hoàn thành còn chậm.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, nhiều dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được UBND tỉnh triển khai quyết liệt.

Vì vậy, UBND các huyện, thị xã và thành phố cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành trong thực hiện các thủ tục đầu tư, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Quản lý chặt quá trình thực hiện dự án, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; bảo đảm thời gian triển khai theo đúng quyết định phê duyệt dự án, quản lý chặt việc phát sinh kinh phí do thay đổi giá nguyên vật liệu, nhân công và để tiết kiệm kinh phí dự phòng dự án.

Minh Dương