Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Tây Ninh vẫn nỗ lực khắc phục để đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều công trình trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công trên các lĩnh vực hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực phát huy tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đường ống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Tây Ninh là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất
Trong 9 tháng qua, Tây Ninh được đánh giá là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất toàn quốc. Công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nổi bật.
Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021, tỉnh giải ngân được 4.033,182 tỷ đồng, đạt 88,59% kế hoạch HĐND tỉnh giao (4.554,27 tỷ đồng); năm 2022, tính đến ngày 31.10, tỉnh giải ngân được 3.000 tỷ đồng, đạt 68,58% kế hoạch của HĐND tỉnh giao, ước giải ngân đến hết ngày 31.1.2023 là 4.368,252 tỷ đồng, đạt 97,36% kế hoạch HĐND tỉnh giao (4.486,5 tỷ đồng).
Nhìn chung, trong 2 năm 2021, 2022, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn… đã nỗ lực để triển khai thực hiện, giải ngân vốn; đặc biệt, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giá xăng dầu biến động mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thậm chí ở một số thời điểm, xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với mặt hàng xăng dầu, nhựa đường tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các cấp, nỗ lực của các chủ đầu tư và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành có liên quan, tỷ lệ giải ngân trong 9 tháng năm 2022 của tỉnh đạt khá cao, xếp thứ 7 trong cả nước.
Đạt được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện công tác giải ngân. Từ năm 2021-2022, UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các địa phương, chủ đầu tư, tạo điều kiện để địa phương kịp thời phân khai vốn, triển khai biện pháp đầu tư công. UBND tỉnh chỉ đạo giao tỷ lệ giải ngân vốn theo từng quý (quý I phải đạt 25%, quý II 50%, quý III 75%, quý IV 100%), sau đó gắn tỷ lệ giải ngân này vào kết quả thi đua của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực để cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc chủ đầu tư quyết tâm giải quyết tiến độ thi công.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các tổ kiểm tra thường xuyên công tác giải ngân, thành lập các tổ giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Công Thương, Sở Xây dựng kiểm tra, khảo sát các mỏ đá, mỏ đất để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ công tác đầu tư công.
Bố trí vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
Ông Trịnh Ngọc Phương cho biết, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, triển khai theo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND tỉnh ban hành các nguyên tắc, tiêu chí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn: phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước và các quy định liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Việc phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương phải phù hợp với tình hình thực tế, khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước; mục tiêu, nhiệm vụ, dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch hằng năm và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm trước. Không phân bổ vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. UBND tỉnh giao các sở, ngành theo dõi kế hoạch, tổ chức triển khai, cùng với địa phương bố trí, tiếp nhận giải ngân đạt chất lượng cao nhất.
Đến nay, tỉnh đã giải ngân được 56 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021-2022, đạt 54,7%. Riêng nguồn vốn sự nghiệp được giao năm 2022 đạt khoảng 67% kế hoạch do nhiều chương trình, chính sách có sự thay đổi so với giai đoạn trước (về nội dung thực hiện, định mức hỗ trợ…), địa phương cần thời gian để nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn theo quy định.
Cam kết giải ngân lĩnh vực y tế đạt 100% kế hoạch
Về lĩnh vực y tế, ông Trịnh Ngọc Phương cho biết, thời gian qua, lĩnh vực y tế gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, ngành Y tế không có dự án mới, chỉ sử dụng những dự án chuyển tiếp của năm 2021. Do đó, kết quả giải ngân của lĩnh vực này tương đối chậm.
Năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhiều dự án không thể triển khai, phải điều chuyển kế hoạch vốn đã bố trí cho lĩnh vực y tế từ đầu năm là 71,5 tỷ đồng còn 8,602 tỷ đồng, đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân đạt 97,5% kế hoạch (8,39 tỷ đồng/8,602 tỷ đồng). Trong năm 2022, ngành Y tế tập trung giải ngân đối với các dự án chuyển tiếp từ năm 2021, không đầu tư các dự án khởi công mới. Ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ giải ngân của lĩnh vực y tế đạt 100% kế hoạch (33,8 tỷ đồng). UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành hỗ trợ ngành Y tế trong lĩnh vực vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ giải ngân đạt kết quả tốt nhất.
Trong năm 2023, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh, lĩnh vực y tế được Trung ương hỗ trợ 130 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Các dự án hoàn thành sẽ tăng cường cơ sở vật chất y tế, nâng cao công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính kết nối vùng
Ông Trịnh Ngọc Phương cho biết, tỉnh đã có những bước đột phá và tạo sự chuyển biến tích cực về đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh bố trí nguồn ngân sách chiếm khoảng 30% trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2022, mặc dù có những khó khăn do dịch Covid- 19, do giá cả vật liệu tăng, nhưng ngành Giao thông đã tổ chức triển khai kịp tiến độ thi công.
Trong năm 2022, tỉnh bố trí vốn hơn 1.000 tỷ đồng, đến ngày 31.10, đã giải ngân được trên 65%. Với tốc độ giải ngân này, đến tháng 1.2023, khả năng giải ngân của ngành Giao thông tương đối cao.
Trong giai đoạn 2021-2025, có một số dự án trọng điểm, mang tính kết nối vùng. Vừa qua, tỉnh triển khai thi công đường liên kết nối vùng N8-787B-789; nâng cấp, mở rộng ĐT782 - ĐT784 (từ ngã ba tuyến tránh QL22 đến ngã tư Tân Bình); dự án đường Đất Sét - Bến Củi. Tính đến hết năm 2022, tổng nguồn vốn giải ngân của lĩnh vực giao thông đạt khoảng 2.234 tỷ đồng (năm 2021 giải ngân 1.129 tỷ đồng/1.139 tỷ đồng; năm 2022 ước giải ngân 1.105 tỷ đồng/1.105 tỷ đồng), hoàn thành kế hoạch vốn được giao hằng năm.
Ông Trịnh Ngọc Phương cho biết, các dự án trọng điểm tiếp tục triển khai trong thời gian tới gồm: Cảng hàng không Tây Ninh, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Trường Chinh, đường từ QL22 đến cửa khẩu quốc tế Tân Nam (đoạn 1 từ cửa khẩu Xa Mát - cửa khẩu Tân Nam và đoạn 2 từ cửa khẩu Tân Nam - Lò Gò), từ đường 794 đến bến Cây Khế (kết nối tỉnh Bình Phước); xây dựng Khu phức hợp quảng trường, công trình văn hoá, bảo tàng Tây Ninh… Tỉnh cũng đã thành lập tổ chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cùng UBND cấp huyện để kịp thời chỉ đạo, điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Nhi Trần