Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ V, nhiệm kỳ 1991-1995:
Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
Thứ tư: 14:46 ngày 03/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Được tiến hành hai vòng. Đại hội vòng 1 tiến hành từ ngày 24 đến 27.4.1991 với 316 đại biểu tham dự, thảo luận góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng gồm 12 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Rốp (2.1991-12.1996)

Ngay sau Đại hội vòng 1, ngày 22.5.1991, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Chỉ thị số 99-CT/TU chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách ở địa phương, trong đó nhấn mạnh: phải tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng và Nhân dân đối với tình hình mới; tập trung giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, văn hoá - xã hội và củng cố tổ chức, bộ máy cán bộ để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đảng bộ tỉnh (vòng 2). Chỉ thị cũng nêu rõ vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dấy lên phong trào hành động cách mạng sôi nổi để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội các đoàn thể trong tỉnh.

Từ ngày 24 đến 27.6.1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được tiến hành tại thủ đô Hà Nội, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, từ ngày 14 đến ngày 16.11.1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ V (vòng 2) được tiến hành. 316 đại biểu thuộc 13 Đảng bộ trong toàn tỉnh về dự.

Đại hội (vòng 2) thông qua dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kiểm điểm đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ; thực trạng tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh thời kỳ 1986-1990; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ 1991-1995; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá V gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Rốp làm Bí thư, các đồng chí Nguyễn Thị Minh và Hồ Thanh Tuyên được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Kết quả của Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng, là nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm 1991-1995.

Đến ngày 14.3.1994, Đảng bộ tỉnh tiến hành hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ với 159 đại biểu đại diện cho đảng viên của 13 Đảng bộ trong tỉnh về dự. Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng bộ tỉnh, hội nghị thảo luận và nhất trí đánh giá: “Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều yếu kém phải khắc phục, những thành tựu quan trọng đạt được là nền kinh tế phát triển khá toàn diện, có mặt phát triển nhanh và liên tục; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững, tạo ra những tiền đề mới để tỉnh ta phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn ở những năm tiếp theo”.

Hội nghị cũng nhấn mạnh những mặt yếu kém, khuyết điểm của những năm qua cần khắc phục trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ 1991-1995 là: nền kinh tế phát triển chậm so với một số tỉnh trong khu vực, chưa vững chắc, chưa cân đối giữa các lĩnh vực, các thành phần kinh tế; kinh tế quốc doanh đạt hiệu quả chưa cao và chưa đủ sức đóng vai trò hướng dẫn, chi phối các thành phần kinh tế khác; kinh tế ngoài quốc doanh phát triển còn tự phát, việc quản lý còn lỏng lẻo, chính sách chưa đầy đủ, chưa đồng bộ nên chưa phát huy hết tiềm lực của các thành phần kinh tế này.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Đảng bộ tỉnh, Hội nghị xác định trong hai năm 1994-1995 tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; thực hiện tốt hơn những vấn đề văn hoá-xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, phải xử lý tốt những mặt tồn tại và chưa ổn định; tích cực chuẩn bị những tiền đề cho thời kỳ 1996-2000; tăng cường chống tham nhũng, buôn lậu, các tiêu cực xã hội đi đôi với triệt để tiết kiệm và chống lãng phí trong mọi lĩnh vực.

Đ.H.T

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh