Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dạy thêm, học thêm - góc nhìn đa chiều
Thứ tư: 22:43 ngày 22/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, và đúng ngày 20.11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam), lĩnh vực giáo dục đã được một số đại biểu phát biểu trong buổi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nêu “tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học”.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha với mô hình trồng rau thuỷ canh. Ảnh minh hoạ: Anh Thư

“NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN”

Đại biểu này cũng nói, thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay thì dạy thêm như một cách cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Đại biểu Nguyễn Văn Huy bình luận rằng, điều đó (dạy thêm) là chính đáng và ông so sánh “nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính, nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì giáo viên dạy thêm là quyền lợi chính đáng”.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện nâng cao sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Việc học thêm, nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần nhanh chóng sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hoà lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Phát biểu trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng. Bộ đã có nhiều những văn bản quy định, đặc biệt, có Thông tư 17 quy định việc kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường, về những vấn đề quy định đạo đức của nhà giáo, quy tắc ứng xử của trường học, văn hoá học đường, thi hành công vụ của nhà giáo…

“Tuy nhiên, chúng tôi xác định còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý vấn đề này”- Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã từng gửi văn bản cho Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không được chấp thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy, cần phải đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học. Nhưng cả nước có hơn 53.000 trường học, những gì diễn ra trong môi trường ngoài nhà trường, Bộ GD&ĐT mong chính quyền các địa phương trên địa bàn của mình phối hợp với Bộ để kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu: “Cũng mong đại biểu trong quá trình nghe và thu thập ý kiến của các cử tri, hỏi giúp cụ thể, là trường hợp giáo viên bớt kiến thức để đi dạy thêm xem đấy là ai, người nào, ở đâu, trường nào để chúng tôi phối hợp cùng UBND Thái Bình xử lý đến nơi đến chốn”- ông Nguyễn Kim Sơn trao đổi với đại biểu Nguyễn Văn Huy.

CHỜ QUY ĐỊNH MỚI

Cần nhắc lại, dạy thêm học thêm không phải câu chuyện mới, ngược lại, điều này được xem như vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Về mặt pháp lý, tại thời điểm hiện nay, không có một quy định cụ thể nào về hoạt động dạy thêm học thêm còn hiệu lực. Trong một lần trả lời ý kiến của cử tri gần đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tây Ninh cũng nói, hành lang pháp lý cho hoạt động dạy thêm học thêm không rõ ràng.

Trên thực tế, cuối tháng 8.2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2499 về việc công bố hết hiệu lực đối với các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Nội dung các điều trên gồm có tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm; yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.

Thông tư 17 được ban hành năm 2012, có tất cả 22 điều quy định về dạy thêm học thêm ở trong và ngoài nhà trường. Các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 là nội dung chính yếu của thông tư. Căn cứ vào Quyết định 2499 của Bộ GD&ĐT, hoạt động dạy thêm học thêm ở ngoài nhà trường phải chấm dứt hoạt động.

Nhưng thực tế cho thấy, sau khi Thông tư 17 về cơ bản đã hết hiệu lực, hiện tại chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền quy định về dạy thêm học thêm. Vì thế, việc cho rằng hành lang pháp lý của việc dạy thêm học thêm không rõ ràng là có cơ sở.

Đối với đề xuất cần quy định dạy thêm học thêm như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này có thể phải tính toán, cân nhắc kỹ, bởi nó không giống hoạt động kinh doanh đơn thuần. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức phải có giấy phép vốn chỉ dành cho những ngành nghề, dịch vụ nhạy cảm hoặc nguy hiểm.

Theo thời gian, dạy thêm học thêm đã trở thành một hiện tượng xã hội. Một văn bản pháp lý (để thay thế Thông tư 17) không thể giải quyết tận gốc câu chuyện dạy thêm học thêm. Không phải bây giờ, từ năm 2012, khi Thông tư 17 ra đời, những người có điều kiện theo dõi thời sự giáo dục đã nhận thấy quy định này có không ít kẽ hở.

Đơn cử như quy định không dạy thêm, học thêm đối với những trường đã tổ chức dạy hai buổi/ngày. Có một thực tế mà người trong ngành Giáo dục không thể không biết: Những trường dạy và học hai buổi/ngày thường có hoạt động dạy thêm, học thêm nhiều nhất. Bởi vì phần lớn các trường này nằm ở khu vực đô thị, nơi đời sống của người dân cao hơn ở khu vực nông thôn.

Quy định cấm hẳn việc dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhưng lại thòng thêm một câu: “Trừ các trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Chính điều này tạo ra kẽ hở. Quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình nghĩa là gì? Không lẽ gia đình đưa con em đến chỗ thầy cô chỉ để… chơi?

Thông tư có quy định: Người dạy “không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước những nội dung mà giờ chính khoá sẽ dạy”.

Thực tế, việc nhiều thầy cô giáo cố tình dạy qua loa, “giảm tải” nội dung bài học trên lớp để chuyển sang giờ dạy thêm là điều phổ biến. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt ra một yêu cầu khó thực hiện khi ông nói, đề nghị đại biểu cho biết, giáo viên nào, ở đâu, cắt giảm kiến thức bài học trên lớp để dành kiến thức dạy thêm.

Vì, bám sát đối tượng là nguyên tắc cốt lõi của hoạt động sư phạm, mỗi lớp, mỗi học sinh có học lực, trình độ khác nhau. Có trường hợp dạy đủ kiến thức trong sách giáo khoa sẽ trở nên quá tải và ngược lại, có học sinh chỉ học sách giáo khoa thôi chưa đủ, cần nâng cao kiến thức để vào những trường đại học tốp đầu.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục