Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học: Chuyện không đơn giản

Cập nhật ngày: 24/11/2010 - 11:18

Năm học 2010 - 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành dạy thí điểm dạy học môn tiếng Anh lớp 3 ở 18 tỉnh thành trong cả nước. Tây Ninh không nằm trong các tỉnh tham gia thí điểm. Theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm học 2018 – 2019, 100% học sinh lớp 3 sẽ được học ngoại ngữ. Tuy nhiên, làm được điều này là không đơn giản chút nào.

Năm học 1997 - 1998, Sở GD - ĐT bắt đầu triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh mới có 128 lớp, với tổng cộng hơn 4.500 học sinh được học môn học này. Sau hơn 10 năm, theo số liệu tổng hợp của Phòng Giáo dục tiểu học – Sở GD- ĐT, hiện toàn tỉnh có 7.984 học sinh lớp 3 được học môn tiếng Anh, chiếm 47,9% số học sinh lớp 3 toàn tỉnh.

Dương Minh Châu là huyện chiếm tỷ lệ cao nhất: 67,62%, cao hơn cả thị xã Tây Ninh. Thấp nhất là Tân Biên: chỉ 11,7%. Những địa phương có tỷ lệ học sinh được học tiếng Anh thấp là do không có nguồn giáo viên, đồng thời số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày chưa nhiều.

So với năm học trước, năm học 2010-2011 tỷ lệ học sinh được học tiếng Anh ở lớp 3 tăng 3,7%. Nếu tính cả khối 4 và 5 thì số học sinh tiểu học trong toàn tỉnh được học tiếng Anh là 43%.

Học sinh Trường tiểu học Cầu Khởi A (huyện Dương Minh Châu) trong một tiết học ngoại ngữ

Ở những trường thực hiện việc dạy và học 2 buổi mỗi ngày, việc học ngoại ngữ của học sinh không quá khó khăn. Theo một giáo viên dạy tiếng Anh ở Thị xã, nếu học sinh tiểu học được học tốt tiếng Việt thì cũng sẽ học tốt tiếng Anh. Chương trình tiếng Anh mà học sinh đang học được đánh giá là nhẹ nhàng, dễ tiếp thu. Vì là môn học tự chọn nên cả người dạy và người học không cảm thấy bị gò bó về dung lượng, thời lượng như các môn học chính khoá.

Theo một cán bộ của Phòng Giáo dục tiểu học thì khó khăn nhất hiện nay là vấn đề đội ngũ giảng dạy. Tổng số giáo viên đang dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học trong toàn tỉnh hiện nay là 101 người. Trong số đó có 28 người dạy theo chế độ thỉnh giảng.

Đa số giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học hiện nay là giáo viên bậc trung học cơ sở được điều xuống (ngành Giáo dục tiểu học từ trước đến nay chưa đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh). Điều này, theo một cán bộ của Phòng GD –ĐT Thị xã thì vừa có mặt mạnh lại vừa bộc lộ điểm yếu. Khó khăn là do nghiệp vụ sư phạm ở hai bậc học có khác nhau. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh tiểu học khác với học sinh trung học cơ sở. Mặt khác, chương trình ngoại ngữ dành cho học sinh tiểu học hiện nay có rất nhiều bài học được thiết kế dưới dạng các bài hát. Thông qua bài hát để dạy từ vựng cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều giáo viên trung học cơ sở dạy tiếng Anh lại không biết hát.

Đối với những trường vùng sâu vùng xa, đặc biệt là trường có học sinh người dân tộc thiểu số, việc dạy tiếng Anh cũng không đơn giản. Theo ông Ngô Hoàng Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền (Thị xã) – một trường có nhiều học sinh người dân tộc Tà Mun theo học thì với các em này học tiếng Việt đã khó, nói gì đến tiếng Anh. Trong khi các em học sinh tiểu học có đặc điểm là rất… mau quên! Tài liệu học tiếng Anh có giá quá cao so với các em học sinh nông thôn (1 bộ sách Lets’go tập 1 gồm 2 cuốn giá khoảng bảy, tám chục ngàn đồng) cũng là một trở ngại.

Cơ sở vật chất cũng đang là một đòi hỏi nếu muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học đều chưa có phòng riêng nên giờ học tiếng Anh bị hạn chế. Khi dạy, các hoạt động nghe, hát của học sinh và giáo viên dễ “làm phiền” các lớp học kế bên. Cũng vì không có phòng học bộ môn nên giáo viên không chủ động được trong việc trang trí, bố trí, sắp xếp lớp học tiếng Anh theo chuẩn của phòng học ngoại ngữ. Các thiết bị dạy học như máy tính, loa, máy chiếu, màn chiếu... phải di chuyển theo các lớp vừa mất thời gian vừa không an toàn, dẫn đến dễ hư hao. Sĩ số lớp ở bậc tiểu học khá đông, thường trên 30 em, nên một giáo viên bao quát được hết cũng “mướt mồ hôi”. Diện tích phòng hẹp cũng làm ảnh hưởng đến việc tổ chức, đa dạng hoá các hoạt động của học sinh. Ở một số trường, vì nhiều lý do khác nhau, trang thiết bị dành cho dạy học tiếng Anh chưa được đầu tư đúng mức.

Còn một điều nữa cũng không thể không nói, số tiền chi trả cho giáo viên dạy tiếng Anh theo hình thức thỉnh giảng chưa hợp lý. Có trường hợp giáo viên đã có thâm niên nhưng chỉ được trả 20.000 - 25.000 đồng/tiết. Một cái giá không hề tương xứng.

VIỆT ĐÔNG

 


Liên kết hữu ích