Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cũng gọi là trường học nhưng hoạt động của Trường Dạy trẻ khuyết tật khác hẳn những ngôi trường phổ thông…

Trường Dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh nằm ven quốc lộ 22B, thuộc địa phận ấp Long Yên (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành), vào những ngày cuối năm, diện mạo đã thay đổi hẳn.
Các phòng học, phòng sinh hoạt bừng sáng lên bởi những đường nét màu sắc sinh động. Đó là kết quả công sức của các bạn sinh viên khoa Mỹ thuật, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Họ đã tự nguyện đến đây và bỏ công trang trí trong suốt một tháng để làm đẹp cho ngôi trường. Cũng gọi là trường học nhưng hoạt động của Trường Dạy trẻ khuyết tật khác hẳn những ngôi trường phổ thông, bởi tất cả học sinh ở đây đều có số phận không may, có những em không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, hoặc không được nghe bất cứ âm thanh nào, cũng có những em không nói được. Gần đây nhà trường còn nhận cả các em mắc bệnh down và các em đang trong tình trạng chậm phát triển trí não. Phần lớn các em là con em của các gia đình lao động nghèo, ở xa. Sống ở đây, các em thực sự tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc tuổi thơ. Xuân về, các em không cảm thấy cô đơn do bị cuộc đời quên lãng.
![]() |
Giờ giải trí của các em |
Thầy giáo Nguyễn Thiết Thạch, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2011-2012, nhà trường có 26 cán bộ, giáo viên hầu hết đều là nữ. Học sinh thuộc các đối tượng có 92 em, với 11 lớp, trong đó có 3 lớp thuộc diện “can thiệp sớm”. Hầu hết giáo viên đều đã được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ nghiệp vụ từ trung cấp, cao đẳng, đến đại học chuyên ngành giáo viên đặc biệt và hệ đại học đào tạo từ xa.
Giảng dạy cho trẻ em khuyết tật là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người giáo viên phải vừa có ý thức trách nhiệm vừa phải có tình người thực sự và sự nhẫn nại rất cao. Cô giáo Nguyễn Thị Tú Trân, phụ trách lớp 3 có nhiều kinh nghiệm về tật học- một môn học đặc biệt mà cô hết sức đam mê khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Cô thường trao đổi với các em bị câm, điếc thông qua các dấu hiệu của hai bàn tay và cả lời nói. Cô còn sử dụng các hình ảnh trực quan để làm phong phú thêm bài giảng. Các cô giáo khác như cô Gấm, cô Oanh, cô Giang… cũng luôn biết cách hiểu được đặc điểm của từng học sinh để áp dụng các phương pháp giảng dạy thích hợp. Các cô luôn dành cho những học trò kém may mắn của mình tình thương của người mẹ hiền, mong cho các em có khả năng hoà nhập với cộng đồng.
Để tạo điều kiện cho các giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, tổ chức công đoàn nhà trường cũng đã có nhiều nỗ lực to lớn thể hiện vai trò của mình trong quá trình thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lương giáo dục” trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu nhà trường, chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách chế độ, giúp các cô yên tâm đứng trên bục giảng.
Nhìn các em học sinh khuyết tật không thể nói được tròn giọng đang cố gắng phát âm từng chữ một cách khó nhọc, chúng tôi hiểu các em rất ham học và rất khát khao con chữ… Đó cũng chính là niềm vui của các cô giáo- những người thầy đang ngày ngày dìu dắt, nâng đỡ các em bằng tấm lòng người mẹ.
PHAN KỶ SỬU