Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân: Cần có lộ trình tăng lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030
Thứ bảy: 04:30 ngày 15/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phân tích về mục tiêu tăng trưởng 8%, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là con số rất cao, ông lưu ý cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề dân số.

Nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển

Chiều 14/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về "Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên".

Phát biểu tại tổ Tp.HCM, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhận định, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển. Báo cáo Chính phủ cần làm rõ hơn những tiềm năng này, trước tiên là xu hướng tăng trưởng GDP trong 3 năm gần đây. Thứ hai, để tăng trưởng GDP, ngoài việc nâng cao kỹ năng lao động, việc ứng dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian qua, Việt Nam chưa đạt yêu cầu trong lĩnh vực này.

"Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát huy mạnh mẽ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là công cụ quan trọng để nâng cao năng lực nội sinh và tiềm năng sáng tạo", ông Nhân nhấn mạnh.

Thứ ba, năm 2024 chưa có đầu tư công hiệu quả. Do đó, năm 2025 cần tập trung vừa tăng đầu tư công, vừa nâng cao hiệu quả của nguồn vốn này. Thứ tư, về đầu tư nước ngoài, trong 5 năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục gia tăng, thể hiện những thuận lợi rõ ràng cho tăng trưởng kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân tham gia phát biểu ý kiến.

"Tôi đề nghị đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các địa phương. So với 10 năm trước, vị trí kinh tế của các địa phương hiện nay đã có nhiều thay đổi, chứng tỏ nỗ lực vươn lên của các tỉnh thành. Điều này không chỉ giúp địa phương thoát nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển", ông Nhân đề xuất.

Phân tích cụ thể hơn về mục tiêu tăng trưởng 8%, ông Nhân cho rằng đây là con số "rất cao". Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, như xung đột Nga - Ukraine, các chính sách thuế và thương mại của Mỹ…

"Chúng ta chưa thể lường hết những tác động này. Chúng ta cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề dân số.

Bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, sau thời kỳ tăng trưởng cao, nếu không duy trì mức sinh thay thế, nền kinh tế sẽ trì trệ. Nhật Bản đã tăng trưởng hai con số trong 33 năm, nhưng sau đó rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài 29 năm", ông Nhân phân tích.

Ông Nhân cũng đề nghị cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu. Theo ông Nhân, hiện nay, lương tối thiểu vùng 1 chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 21 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa là lương đủ sống phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.

"Như vậy, lương phải tăng gấp đôi để đạt mức lương đủ sống tối thiểu. Nếu không đủ lương để sống thì người ta sẽ không đẻ. Chúng ta cần có lộ trình tăng dần lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030. Chậm nhất trong vòng 10 năm phải chuyển được từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu", ông Nhân nói.

Theo đại biểu, có nhiều ý kiến lo ngại việc tăng lương sẽ làm giảm sức hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác, ngay cả khi tăng lương gấp đôi, mức lương của Việt Nam vẫn chỉ bằng 26% mức lương tối thiểu của Nhật Bản và 27% của Hàn Quốc. Do đó, việc tăng lương vẫn đảm bảo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

"Ngoài tiền lương, cần quan tâm đến các vấn đề nhà ở, giáo dục và y tế. Nếu người lao động không đủ thu nhập để nuôi con, chính sách dân số sẽ khó đạt hiệu quả. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, sau 25 năm duy trì mức sinh thấp, rất khó để đảo ngược tình trạng này. Nếu không có chính sách hợp lý, đến năm 2040, Việt Nam có thể đối mặt với khủng hoảng dân số nghiêm trọng", ông Nhân băn khoăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo mức sống và khuyến khích sinh con. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất lớn
Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp.HCM) cho rằng, "Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên" đã đưa ra một số giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Điều này cũng đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các bộ ngành, đồng thời, tốc độ tăng trưởng này cũng là cơ sở để đất nước có bước tiếp theo sau năm 2025 để đạt tăng trưởng 2 con số.

Đại biểu đặt câu hỏi "Làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng?". Ông Tuấn đồng tình với 5 nhóm giải pháp quan trọng được nêu trong nghị quyết.

Tuy nhiên, đại biểu mong muốn cụ thể hóa một số nội dung trong các giải pháp này để phục vụ quá trình vận hành, điều hành của Chính phủ.

Thứ nhất, động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… đã được đặt ra các chỉ tiêu rất lớn với mức tăng hơn 12% trở lên.

ĐBQH Trần Anh Tuấn phát biểu ý kiến tại tổ Tp.HCM.

Trong đó, để tiêu dùng tăng 12% trở lên trong bối cảnh các năm gần đây tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều dưới 10%.

Do đó, cần các giải pháp kèm theo để kích thích tiêu dùng, kích cầu đầu tư. Với chính sách tiền tệ hiện nay, mức lãi xuất cũng tăng nhưng tăng chậm, cần những phải có những giải pháp cung tiền dữ trữ bắt buộc để có thể giảm mức lãi xuất và làm chững lại mức độ tăng của tín dụng, thì dòng tiền đưa ra nền kinh tế trong năm nay phải đạt ít nhất trên 16% đến 17%, để đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, tăng trưởng về đầu tư, thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất… theo đó đạt mục tiêu 8%.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải đồng hành, phải có một lộ trình tăng thuế. Hiện nay, theo các quy định mới áp dụng gần đây, các loại thuế có xu hướng tăng.

"Như vậy, trong điều hành, chính sách phải lưu ý tăng thuế thận trọng và có lộ trình. Để đồng hành cùng chính sách tiền tệ, khi chính sách tiền tệ nới lỏng thì chính sách tài khóa cũng phải nới lỏng để tránh xung đột giữa hai chính sách lớn này. Theo đó, đảm bảo vừa mở rộng được chính sách tài khóa vừa mở rộng được chính sách tiền tệ.

Như vậy, tạo ra được nhiều dòng tiền hơn cho nền kinh tế, khuyến khích được khu vực tư nhân, vốn chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế", ông Tuấn nêu.

Với đầu tư công, đại biểu cho biết, năm 2025 dự kiến đạt gần 800.000 tỷ đồng. Qua tăng thu tiết kiệm chi từ năm 2024, khoản tiền này là hoàn toàn khả thi và có thể sử dụng ngay, giải ngân cho các dự án cấp bách.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã được triển khai và cũng là một cơ sở, động lực để thay đổi công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, đầu tư vào những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số chia sẻ, AI, bán dẫn… Lĩnh vực này cũng cần những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để thu hút FID và đầu tư tư nhân.

"Cần những chính sách miễn giảm thuế mạnh trong những lĩnh vực này để thu hút đầu tư, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân áp dụng mạnh dạn ngay ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng 2 con số từ những năm sau", ông Tuấn nói.

Cũng theo đại biểu, trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần đảm bảo môi trường đầu tư không bị ảnh hưởng.

Những thủ tục đầu tư, những vướng mắc về thể chế phải được giải quyết nhanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…

"Phải giải phóng, khơi thông nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng tại các trung tâm tài chính này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hơn 8% và tăng trưởng hai con số", ông Tuấn nói.

Nguồn nguoiduatin

Tin cùng chuyên mục