Sau khi phá dỡ các lò than, nhiều người đã lâm vào cảnh thất nghiệp, trong đó có các chủ lò và những người làm thuê ở các lò than trước kia. Một số thanh niên đến nay chưa tìm được việc làm, thường la cà ở các quán nước hoặc nhậu nhẹt để “giết thời gian”.
Phân loại những bao than cuối cùng ở một hộ dân xóm lò than. |
Cán bộ phụ trách môi trường Phòng TN&MT Thị xã Lê Thị Thuý Hằng cho biết, ngày 19.3.2009, UBND Thị xã ban hành Đề án số 101/ĐA-UBND về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ là chủ lò than ở khu phố 3, phường 3 (phía đông đường Hoàng Lê Kha, cách trụ sở phường 3 khoảng 100m, thuộc khu vực đông dân cư). Theo đề án này, tất cả các hộ có lò than phải ngưng hoạt động, phá dỡ lò và chuyển đổi nghề trong năm 2009.
Đề án “cứu” môi trường
Theo thống kê của UBND phường 3, vào đầu năm 2009 tại địa bàn phường có 67 lò hầm than của 27 hộ với 142 nhân khẩu đang hoạt động, trong đó có một hộ nghèo Trung ương. Hầu hết các hộ còn lại đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chỉ “đủ ăn” (thu nhập bình quân mỗi hộ có lò than chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng), duy chỉ có một hộ có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng do có nhiều lò than, nhưng hộ này có nhà ở địa phương khác (Hoà Thành), chỉ làm nghề hầm than trên địa bàn phường 3.
Qua khảo sát, ngành chức năng xác định có 2 loại lò than với nhiều kích thước: lò đất và lò gạch. Lò lớn nhất có trữ lượng củi để hầm than lên đến 40m3, lò nhỏ nhất 5m3. Tuy là hầm lò thủ công nhưng chi phí xây dựng cũng khá tốn kém. Trung bình, mỗi mét vuông lò đất phải đầu tư khoảng 500.000 đồng, lò gạch khoảng hơn 600.000 đồng. Theo lời những người lớn tuổi ở xóm lò than, làng nghề thủ công này tồn tại hơn 70 năm qua, chuyên sản xuất than từ gỗ bằng phương pháp thủ công. Trải qua nhiều thế hệ, hầu hết những người làm nghề “hầm than” vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo đeo bám họ.
Thực tế cho thấy, mật độ dân cư ở khu vực lò than ngày càng “dày”, việc sản xuất than không thể tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường ở địa phương. Khói từ các lò than lan toả khắp mọi ngõ ngách trong khu dân cư, gây ảnh hưởng sức khoẻ người dân. Theo các chuyên gia về môi trường, khí thải từ các lò than là khí cacbon oxit (CO), dễ khuếch tán trong không khí. Chỉ cần nồng độ chất khí này lên đến 0,05% sẽ gây ngộ độc về lâu dài đối với người hít phải. Đáng lo ngại là có thể gây tử vong đột ngột nếu hít phải khí này ở nồng độ cao hơn. Biểu hiện của việc thường xuyên phải hít thở khí này là mất ngủ, suy nhược thần kinh, gây tổn hại sức khoẻ, khả năng lao động chân tay lẫn trí óc đều suy giảm.
Chuyển đổi nghề để nâng cao đời sống
Thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường: “cấm các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư”, đề án chuyển đổi nghề cho các hộ làm lò than ở khu phố 3 phường 3 nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất than gây ra. Do đây là ngành nghề đặc thù, không có biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường nên chỉ có thể chuyển đổi chứ không thể di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
Theo đề án, Nhà nước sẽ chi ngân sách hỗ trợ cho các hộ có lò than đang hoạt động như đã hỗ trợ đào tạo lao động (300.000 đồng/tháng và không quá 3 tháng), hỗ trợ ngưng việc cho những lao động đang làm nghề than chưa có việc làm mới (bằng mức lương tối thiểu, không quá 6 tháng), hỗ trợ chi phí nhân công và ngày công phá dỡ lò (tuỳ theo loại lò và tuỳ quy mô, kích thước). Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi nghề ở xóm lò than gần 356 triệu đồng.
Hiện tại, các hộ làm nghề than ở khu phố 3 phường 3 đã nhận các khoản tiền hỗ trợ. Hầu hết các hộ có lò than đều đã phá dỡ lò, chỉ còn lại duy nhất hộ bà Tám Truyền với 10 lò than đang hoạt động. Bà Tám Truyền cho biết bà chấp hành chủ trương của Nhà nước trong việc tháo dỡ các lò than trong khu dân cư. Tuy nhiên, do các lò than bà mới đầu tư chưa được bao lâu với số vốn khoảng 700 triệu đồng, chưa kịp thu hồi vốn: “Vì vậy, tôi đã xin ngành chức năng cho phép tôi được hoạt động đến cuối năm để thu hồi vốn. Tôi cam kết sẽ phá dỡ lò vào cuối tháng 12 âm lịch”.
Đừng để người nghèo phải nghèo hơn!
Người lao động làm việc tại lò than của bà Tám Truyền. |
Mới đây, ghé thăm xóm lò than, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực về môi trường sống ở khu vực này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là, sau khi phá dỡ các lò than, nhiều người đã lâm vào cảnh thất nghiệp, trong đó có các chủ lò và những người làm thuê ở các lò than trước kia. Một số thanh niên đến nay chưa tìm được việc làm, thường la cà ở các quán nước hoặc nhậu nhẹt để “giết thời gian”. Một người làm nghề than có thâm niên đã “giải nghệ” tỏ ra lo lắng: số tiền Nhà nước hỗ trợ không nhiều nên hiện nay nhiều hộ đã tiêu xài gần hết. Một số người đi tìm việc làm nhưng do không có tay nghề nên khó xin việc, chỉ đi làm lao động phổ thông hoặc phụ hồ, bữa làm bữa nghỉ nên thu nhập rất bấp bênh.
Chúng tôi được biết, vẫn có một vài hộ cố gắng duy trì nghề than bằng cách vay vốn đến nơi khác thuê đất mở lò. Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Thuý Hằng khuyến cáo các hộ dân không nên mở lò than trên địa bàn Thị xã cũng như ở bất cứ khu vực dân cư nào khác vì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ để bảo vệ môi trường. Thực trạng “hậu chuyển đổi nghề” ở xóm lò than là như thế. Nên chăng, chính quyền địa phương sớm có động thái thiết thực hơn nữa để “người nghèo sẽ không phải nghèo hơn”.
BẢO TÂM