Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề án dạy tiếng Anh theo chương trình mới:  Nâng “chuẩn” cả thầy và trò

Cập nhật ngày: 20/06/2012 - 12:56

(BTN)- Đề án được soạn thảo dựa theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30.9.2008 về việc phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (QĐ 1400). Mục đích của việc áp dụng chương trình tiếng Anh thí điểm nhằm cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ một cách đồng bộ, hệ thống trong các cơ sở giáo dục theo định hướng trong QĐ 1400. Yêu cầu của đề án là dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng dựa theo khung năng lực ngoại ngữ (khung NLNN) thống nhất.

Trường có điều kiện sẽ thực hiện trước

Từ năm học 2012-2013, Sở GD- ĐT triển khai thí điểm dạy tiếng Anh lớp 3 theo chương trình mới cho các trường tiểu học được thẩm định và đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; mở rộng dần quy mô để đến năm học 2019-2020, hầu hết các trường tiểu học, THCS và THPT dạy học theo chương trình ngoại ngữ 10 năm. Cụ thể, đối với cấp tiểu học, năm học tới sẽ triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tại 10 trường tiểu học ở cả 9 huyện, thị. Từ năm học 2013-2014 sẽ mở rộng quy mô các trường dạy theo chương trình ngoại ngữ mới bình quân mỗi năm tăng từ 10% đến 20% ở các trường thuộc địa bàn thuận lợi. Đến năm học 2019-2020, tất cả các trường tiểu học đều dạy học theo chương trình tiếng Anh mới.

Giờ học tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài dạy ở Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tân Bách Khoa (ảnh chỉ có tính minh hoạ).

Không chỉ dạy và học tiếng Anh, đề án còn đặt ra yêu cầu tuyển chọn một số lượng nhất định học sinh có học tiếng Pháp để tạo nguồn cho việc dạy ngoại ngữ này ở cấp THCS thuộc địa bàn Thị xã. Một số trường THCS dự kiến sẽ dạy tiếng Pháp gồm: Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Võ Văn Kiệt và Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông Tây Ninh. Đến năm học 2014-2015, triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình thí điểm ở các trường THCS trên địa bàn có học sinh tiểu học đã học hết chương trình ngoại ngữ mới. Riêng 3 trường Trần Hưng Đạo, Chu Văn An và Phan Bội Châu thuộc địa bàn Thị xã cùng với 2 trường Mạc Đĩnh Chi và Lý Tự Trọng thuộc địa bàn huyện Hoà Thành sẽ dạy học chương trình ngoại ngữ mới sớm hơn vào năm học 2012-2013.

Ở cấp THPT, đến năm học 2018-2019 sẽ triển khai dạy theo chương trình tiếng Anh mới ở các trường có học sinh đã học xong chương trình ngoại ngữ mới ở bậc THCS. Tuy nhiên ngay từ năm học 2013-2014, sẽ có 5 trường được chọn triển khai chương trình này, gồm: Trường chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, Lý Thường Kiệt, Quang Trung và Nguyễn Trãi.

Đối với các trường chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ thực hiện đổi mới chương trình dạy ngoại ngữ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT phù hợp với nhu cầu và đối tượng đào tạo.

Băn khoăn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất

Một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng dạy ngoại ngữ lâu nay còn hạn chế là do đội ngũ giáo viên dạy môn này chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Tính đến hết năm học 2011- 2012, tổng số giáo viên dạy ngoại ngữ bậc tiểu học là 110 người, trong đó có 30 giáo viên đạt chuẩn và 80 giáo viên vượt chuẩn về bằng cấp. Ở bậc THCS, có tổng cộng 386 giáo viên ngoại ngữ, trong đó có 60 giáo viên đạt chuẩn, số còn lại (tương đương 84,5%) vượt chuẩn. Riêng bậc THPT và giáo dục chuyên nghiệp có 183 giáo viên ngoại ngữ với tỷ lệ đạt chuẩn về bằng cấp của hai bậc học này là 100%.

Đó là những con số khá “đẹp” nhưng không đủ để phấn khởi. Bởi qua hai đợt khảo sát NLNN theo chuẩn châu Âu vào giữa năm 2011 và đầu năm 2012 (do một tổ chức quốc tế thực hiện) kết quả là hầu hết giáo viên ở cả 3 cấp học đều không vượt qua được kỳ khảo sát. Riêng bậc tiểu học, trong số 110 giáo viên tham gia khảo sát chỉ có duy nhất 1 người được công nhận đủ trình độ ngoại ngữ (theo chuẩn châu Âu) để dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Theo Sở GD-ĐT, trong thời gian tới, ngoài việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ theo quy định, cơ quan tuyển dụng sẽ còn căn cứ vào các văn bằng như: chứng chỉ tiêu chuẩn TOEFL, IELTS hoặc các chứng chỉ tương đương theo khung NLNN quốc tế. Các cấp quản lý giáo dục sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực dạy ngoại ngữ của giáo viên, đồng thời hỗ trợ giáo viên tự đánh giá để lập kế hoạch bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới. Giáo viên sẽ được tạo điều kiện và có nhiều cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, cập nhật các kỹ thuật dạy học tích cực… Thậm chí, sẽ có một số giáo viên được cử đi học ở nước ngoài.

Hiện tại, hầu hết các trường TH, THCS, THPT trong tỉnh đều không có phòng dạy học ngoại ngữ. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc rèn luyện các kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh cũng rất hạn chế. Theo đề án thì đến giai đoạn 2016-2020, sẽ xây dựng tổng số 348 phòng học tiếng dành cho 4 cấp học từ tiểu học cho đến cao đẳng. Trong đó, bậc tiểu học sẽ được đầu tư nhiều nhất với 226 phòng học tiếng.

VIỆT ĐÔNG

 


Liên kết hữu ích