Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề án dạy và học ngoại ngữ: Băn khoăn... chất lượng thầy

Cập nhật ngày: 17/10/2012 - 03:43

(BTN)- Sau hai lần chỉnh sửa, đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2020 do Sở Giáo dục- Đào tạo soạn thảo đã được UBND tỉnh chính thức thông qua. Đề án được soạn thảo trên cơ sở Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30.9.2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.

Mục đích của đề án nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ một cách đồng bộ và hệ thống trong các cơ sở giáo dục. Đề án hướng đến đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ, xây dựng và phát huy mạnh mẽ môi trường tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên cũng như học sinh. Tinh thần chung của đề án là dạy ngoại ngữ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp học, dựa theo khung năng lực ngoại ngữ thống nhất gồm 6 bậc tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng do Hiệp hội các tổ chức khảo thí - ngoại ngữ châu Âu ban hành. Trong đó thấp nhất là bậc 1 và cao nhất là bậc 6.

Người nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh Tây Ninh.

Tham vọng của đề án là từ nay đến năm 2020 sẽ triển khai dạy ngoại ngữ hệ 10 năm bắt đầu từ lớp 3 cho đến lớp 12. Trong giai đoạn 1 của đề án (2012 – 2015) sẽ tổ chức dạy học thí điểm chương trình tiếng Anh mới đối với 93 trường tiểu học, tiếp theo đó sẽ là10 trường THCS và 6 trường THPT. Năm học này (2012-2013) có 33 trường tiểu học với gần 6.000 học sinh được học chương trình ngoại ngữ mới.

Đối với cấp THCS, trong tổng số 10 trường tham gia dạy thí điểm ở giai đoạn 1, có 6 trường triển khai dạy tiếng Anh mới ngay trong năm học này. Ở bậc THPT, đến năm học 2013-2014 sẽ chọn một số trường để triển khai; trong số đó, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha sẽ dạy môn Toán và một số môn học tự nhiên bằng ngoại ngữ.

Trong giai đoạn 1, ngành Giáo dục sẽ xây dựng, mở rộng loại hình trường tiểu học 2 buổi/ngày nhằm đáp ứng điều kiện dạy ngoại ngữ từ giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo. Song song đó, ngành cũng sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm yêu cầu phát triển về quy mô, tiến độ dạy học ngoại ngữ một cách liên thông từ cấp tiểu học lên trung học phổ thông.

Mục tiêu phấn đấu chung là đến năm học 2019 – 2020, hầu hết các trường phổ thông từ tiểu học cho đến trung học phổ thông trong tỉnh Tây Ninh sẽ dạy học tiếng Anh theo chương trình mới. Song hiện tại, hầu hết các trường tiểu học, THCS, THPT và cả trường dạy nghề đều không có phòng dạy học ngoại ngữ. Việc dạy học ngoại ngữ hiện nay chủ yếu sử dụng các trang thiết bị dùng chung của nhà trường như máy chiếu, máy nghe đĩa CD, đầu đọc đĩa VCD, DVD và màn hình ti vi nên việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ còn hạn chế.

Điều quan trọng có tính quyết định bảo đảm cho đề án thành công là phải cải thiện cho được trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của giáo viên ngoại ngữ. Đây rõ ràng là một nhiệm vụ không hề đơn giản! Hiện nay, đa số giáo viên dạy tiếng Anh ở Tây Ninh đã đạt, vượt chuẩn về văn bằng. Tuy nhiên, nếu đánh giá về trình độ thực của số đông giáo viên thì còn rất nhiều điều để nói. Bằng chứng là qua một cuộc sát hạch cách đây chưa lâu lắm, kết quả cho thấy: Những người đạt năng lực ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì thế, hiện đang có ý kiến bày tỏ sự hoài nghi, lo lắng bởi chỉ còn khoảng 1 năm nữa, việc dạy một số môn khoa học tự nhiên sẽ được triển khai ở Trường chuyên Hoàng Lê Kha. Đó còn chưa kể đến các yếu tố khác sẽ phải tính đến khi triển khai dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh như nguồn tài liệu, sách giáo khoa, trình độ ngoại ngữ của người học.

Xem ra, việc thực hiện đề án trên có thành công hay không, một phần quan trọng chính là từ sự nỗ lực bản thân của những người thầy.

VIỆT ĐÔNG


Liên kết hữu ích