Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học: Người được hỗ trợ phải cam kết “trở về”

Cập nhật ngày: 23/08/2011 - 01:39

Với mục tiêu đào tạo, thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học, sau đại học cho học sinh, sinh viên Tây Ninh giai đoạn 2010- 2015 (đề án này Báo Tây Ninh đã có thông tin cách đây chưa lâu). Vừa qua nhà giáo Ưu tú Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện để làm rõ hơn những vấn đề có liên quan đến nội dung và việc tổ chức thực hiện đề án.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thanh Sơn, PGĐ ĐH Huế trao bằng Thạc sĩ cho các giáo viên Tây Ninh

- PV: Xin ông giới thiệu vài nét về mục tiêu chính của đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học, sau đại học cho học sinh, sinh viên Tây Ninh?

- Ông Đổng Ngọc Lập:

Trước đây, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp để thu hút sinh viên của tỉnh về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp ra trường. Cụ thể: từ năm 2001 đã ban hành quy định tạm thời về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, năm 2007 có Quy định về chính sách thu hút nhân tài. Chưa kể, hằng năm đều có tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các sinh viên tỉnh nhà đang học trong các trường đại học trong và ngoài nước, đồng thời tiếp nhận những sinh viên có trình độ đại học đưa vào diện tạo nguồn ở các cơ quan của tỉnh và các xã, phường, thị trấn.

Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học, sau đại học cho học sinh, sinh viên Tây Ninh giai đoạn 2010- 2015 nhằm hỗ trợ đào tạo đội ngũ học sinh, sinh viên, học viên khá, giỏi có hộ khẩu trong tỉnh thành đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các thành phố lớn và hội nhập quốc tế. Việc thu hút nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, trong 5 năm tới sẽ đào tạo 150 sinh viên có trình độ đại học, 90 thạc sĩ và 10 tiến sĩ (trong đó có một số sẽ đi học ở nước ngoài) ở những ngành mà tỉnh có nhu cầu.

- PV: Thưa ông, theo đề án, những đối tượng nào được tham gia xét tuyển?

- Ông Đổng Ngọc Lập:

Có 2 diện đối tượng được tham gia xét tuyển. Diện 1 gồm những học sinh học ở các trường trung học phổ thông do tỉnh quản lý và tốt nghiệp THPT; những sinh viên đang học từ năm thứ 2 đến năm cuối ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước, những sinh viên trúng tuyển đầu vào hoặc đang học cao học ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước; những sinh viên có bằng thạc sĩ và trúng tuyển đầu vào hoặc đang học làm nghiên cứu sinh ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước của những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu. Diện 2 gồm những học sinh, sinh viên thuộc diện 1 nhưng thuộc đối tượng chính sách như bản thân là thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh; con của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và con của những người được hưởng chính sách như thương binh, có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; có cha hoặc mẹ tham gia cách mạng thời kỳ chống Pháp hoặc chống Mỹ liên tục ở chiến trường B, C, K được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hoặc huy chương kháng chiến; là dân tộc ít người có hộ khẩu thường trú tại địa phương ít nhất 36 tháng trở lên; thuộc gia đình nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia (có xác nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội).

Tuỳ theo nhu cầu đào tạo của tỉnh, hằng năm UBND tỉnh sẽ quy định danh mục ngành đào tạo và chỉ tiêu đào tạo cho từng chuyên ngành cụ thể.

- PV: Người được cử đi học có quyền lợi và nghĩa vụ thế nào, thưa ông?

- Ông Đổng Ngọc Lập:

Ông Đổng Ngọc Lập khen thưởng cho học sinh của Trường chuyên Hoàng Lê Kha thi đậu đại học

Người học được tạm ứng kinh phí để thanh toán cho các chi phí học tập. Đối với người được cử đi đào tạo toàn phần ở nước ngoài được tạm ứng thêm chi phí mua BHYT trong thời gian học tập ở nước ngoài; chi phí đi lại (một lượt đi và về), lệ phí sân bay; chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh (hộ chiếu, visa); chi phí khác cần thiết phục vụ cho công tác học tập. Các đối tượng theo học sau khi học xong được bố trí công tác phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Trường hợp sau khi tốt nghiệp thạc sĩ muốn tiếp tục học tiến sĩ hoặc muốn ở lại nước ngoài từ 1 đến 2 năm để thực tập, trau dồi thêm nghề nghiệp phải được sự đồng ý của tỉnh.

Người được cử đi đào tạo phải chịu trách nhiệm chấp hành nghiêm túc nội quy của cơ sở đào tạo và pháp luật của nước sở tại (nếu học ở nước ngoài). Sau khi tốt nghiệp phải trở về công tác tại tỉnh như cam kết. Nếu kết quả học tập không đạt yêu cầu phải kéo dài thời gian đào tạo so với khoá học thì người học phải chịu các khoản chi phí phát sinh. Nếu tự ý bỏ học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về công tác tại tỉnh thì phải bồi thường gấp 5 lần kinh phí do tỉnh chi cho việc học tập.

Ngân sách chi cho đề án gồm các nguồn từ ngân sách Nhà nước, tài trợ của các tổ chức kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp và tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và thực hiện chi trả cho học sinh, sinh viên, học viên.

- PV: Xin cảm ơn ông.

DUY ANH

(Thực hiện)


Liên kết hữu ích