BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề án xây dựng mạng lưới nhân giống lúa: Phấn đấu đến năm 2020 Tây Ninh có 2.500 ha sản xuất lúa giống

Cập nhật ngày: 03/07/2013 - 05:53
HTML clipboard

 

Một điểm trình diễn giống lúa lai Arize B-TE1 tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành.

(BTNO) – UBND tỉnh đang xem xét dự thảo Đề án xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 – 2016 và định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí lên đến 12,88 tỷ đồng.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2016, có khoảng 1.500 ha sản xuất lúa giống cả năm để cung ứng đảm bảo 65% nhu cầu giống chất lượng tốt cho sản xuất. Đến 2020, mở rộng thêm 1.000 ha sản xuất và cung ứng đảm bảo trên 90% nhu cầu giống chất lượng cao cho sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị lúa gạo hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến năm 2014, toàn tỉnh có 35% (52.500 ha) diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận; năm 2015 có 50% (75.000 ha); năm 2016 có 65% (97.500 ha) và đến năm năm 2020 có trên 90% (trên 135.000 ha) diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận.

Theo UBND tỉnh, cây lúa được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, diện tích canh tác hàng năm ổn định khoảng 154.000 ha. Tuy nhiên, trong sản xuất còn bộc lộ nhiều tồn tại dẫn tới năng suất lúa còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất. Bình quân 5 năm (2008 – 2012), diện tích sản xuất lúa trong năm của Tây Ninh 154.478 ha, năng suất bình quân 47,89 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 740.037 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa xác định được bộ giống lúa chủ lực của tỉnh phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thích ứng với sự biến đổi thời tiết; công tác sản xuất, cung ứng giống có năng suất, chất lượng cho sản xuất chưa đáp ứng với nhu cầu. Hệ thống nhân giống lúa chưa phủ khắp các huyện, thị xã; trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu, trình độ cán bộ chưa đáp ứng, một số điểm nhân giống còn sử dụng cán bộ chuyên môn chưa qua trường lớp đào tạo…

Nhu cầu về lúa giống hằng năm là rất lớn, từ 13.000 – 15.000 tấn giống xác nhận hay 3.000 ha để sản xuất giống mới đảm bảo cung cấp đủ giống có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện sản xuất bất lợi, phù hợp với địa phương và đáp ứng yêu cầu thị trường, phục vụ phát triển sản xuất lúa của tỉnh.

Tuy nhiên, trong những năm qua Trung tâm Giống nông nghiệp, các công ty, đại lý và kể cả các hộ dân tham gia chương trình nhân giống lúa cộng đồng chỉ cung ứng khoảng 3.000 tấn lúa giống, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu giống cho sản xuất lúa trong tỉnh. Đa phần người nông dân thường mua giống để gieo trồng, chỉ chú ý đến giống lúa mà ít quan tâm đến chất lượng hạt giống; sử dụng giống tự sản xuất hoặc trao đổi giữa các nông dân với nhau, thậm chí nhiều người còn dùng lúa ăn để làm giống để giảm bớt chi phí đầu tư. Vì vậy hậu quả giống bị lẫn tạp, thoái hoá đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo.

Dự thảo Đề án xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 – 2016 và định hướng đến năm 2020 đặt mục tiêu xây dựng tại 6 huyện trọng điểm sản xuất lúa các tổ hoặc hợp tác xã sản xuất cung ứng lúa giống đảm bảo thuận lợi nhất cho người sản xuất lúa. Ưu tiên thành lập tổ hoặc hợp tác xã sản xuất lúa giống ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tại mỗi huyện trọng điểm kết hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp và các cơ sở xây dựng điểm thu mua và cung cấp lúa giống nhằm tạo đầu ra ổn định và phát triển bền vững vùng sản xuất lúa giống, đồng thời cũng có chiến lược giới thiệu và quảng bá thương hiệu lúa giống chất lượng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Việc sản xuất lúa đại trà từ nguồn giống tốt sẽ làm tăng năng suất ít nhất từ 10 - 15%, sản lượng lúa tăng thêm 57.000 - 85.000 tấn tương ứng giá trị tăng lên từ  284 - 425 tỷ đồng.

Dự kiến mạng lưới sản xuất lúa giống giai đoạn 2014 – 2016 được triển khai ở các xã Long Thành Trung, Long Thành Nam (huyện Hoà Thành), Thanh Điền, Trí Bình (huyện Châu Thành), Bàu Đồn, Phước Trạch, Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), Tiên Thuận, An Thạnh, Long Chữ, Lợi Thuận (huyện Bến Cầu), Chà Là, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), Bình Thạnh, Phước Chỉ, Phước Lưu (Trảng Bàng) và Trà Vong (huyện Tân Biên).

Dự thảo Đề án đánh giá: về hiệu quả kinh tế, việc sản xuất lúa đại trà từ nguồn giống tốt sẽ làm tăng năng suất ít nhất từ 10 - 15%, sản lượng lúa tăng thêm 57.000 - 85.000 tấn tương ứng giá trị tăng lên từ  284 - 425 tỷ đồng. Nâng cao năng lực chọn tạo, chuyển giao, sản xuất cung ứng giống. Hình thành được những vùng chuyên canh sản xuất giống năng suất cao, phẩm chất tốt. Đảm bảo đủ và chủ động được giống tốt phục vụ nhu cầu sản xuất hàng vụ, hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh.

Về hiệu quả xã hội, nâng cao trình độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tạo điều kiện hình thành các vùng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa giống ổn định, từng bước xã hội hoá công tác giống lúa. Sử dụng giống tốt, giống đạt chất lượng để sản xuất sẽ giảm được chi phí đầu tư (phân bón, thuốc BVTV...), giảm các tác nhân gây ảnh hưởng môi trường, nâng cao giá trị, chất lượng lúa gạo hàng hoá. Giá trị sản xuất tăng sẽ góp phần giải quyết việc làm nhằm xoá đói giảm nghèo, tăng hộ giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên các lĩnh vực văn hoá, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

HY UYÊN