Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Để bóng đá mãi mãi là niềm vui chân chính
Thứ hai: 06:14 ngày 19/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có chuyện này mắc cười lắm, để tui kể mấy ông nghe, đốt thời gian chờ đợi xem trận chung kết Quơ-cúp nghen! Số là tui vừa nghe thấy báo chí, truyền thông đồng loạt đưa tin cái anh tổng thống gốc diễn viên hài bên nước U-cà…

-Thôi đi ông, chờ coi đá banh thì nói chuyện đá banh đi, nói chuyện chánh trị lúc này sao nghe đâm hơi quá.

-Ông đâm hơi thì có á, biết tôi muốn nói chuyện gì chưa mà chận họng dễ mích lòng lắm à!

-Giận rồi hả, xin lỗi nghen, ông có chuyện gì mắc cười kể nghe cho vui đi?

-Giận thì không giận, mà bực ông cái tật bộp chộp, tui chưa nói hết câu đã chen ngang lãng xẹt. Để tui nói cho mà nghe, mới hôm bữa trước trận tranh hạng ba Quơ-cúp, các phương tiện truyền thông trên thế giới đồng loạt đưa tin, Liên đoàn Bóng đá thế giới đã từ chối yêu cầu của tay tổng thống U-cà Dê-len-sờ-ki về việc ảnh đề nghị FIFA cho ảnh hiện hình trong trận chung kết Quơ-cúp 2022 thông qua hình thức trực tuyến.

Theo mấy đài bự như Xi-anh-anh, Bờ-bờ-cờ, anh tổng thống gốc hề, thích bận áo thun màu sẫm đi đóng cờ-lip trên du-tuýp, đề nghị được chia sẻ thông điệp gì đó về “hoà bình thế giới” trước trận đấu giữa đương kim vô địch Pháp và đội Á-căn-đình tại sân vận động Lu-xai-lơ, nước Qua-ta. Ý ảnh là ảnh muốn làm nổi trong sự kiện ước tính sẽ thu hút cả tỷ người trên thế giới theo dõi. Tuy nhiên lời yêu cầu này đã bị FIFA thẳng thừng từ chối khiến văn phòng tổng thống Dê-len-sờ-ki “vô cùng ngạc nhiên”.

-Mấy anh thầy dùi của tay tổng thống U-cà ngạc nhiên là phải. Đối với mấy tay hề mà bị chặn đường chặn ngõ hổng cho đi diễn hài kiếm ăn thì tức lắm chớ! Mà nghĩ ảnh tức cũng phải, vì tui có nghe mấy cái sự kiện đình đám trên thế giới mấy tháng trước đây như bữa lễ trao giải thưởng âm nhạc Gờ-ram-my; lễ trao giải thưởng liên hoan phim Can-nét, hay hội nghị các nước Gờ-20 ảnh đều xin xỏ và được cho phép văn phòng tổng thống U-cà gởi vi-déo cờ-lip qua chiếu cho quý khách tham dự sự kiện coi ảnh nói chuyện “hoà bình thế giới”.

-Đúng là nói chuyện y như tấu hài, ai đời đi xin tiếp tế vũ khí mà bảo là nói chuyện “hoà bình thế giới”. Ông nghe được mấy tin ấy mà có biết vì sao ảnh được hiện hình tại mấy sự kiện đó không?

-Ông làm như tôi nghe tin mà không hiểu gì hết vậy. Ít ra tôi cũng biết mấy giải thưởng âm nhạc, điện ảnh của nước nào, nước nào chớ. Mà ai lại chẳng biết nhà cầm quyền mấy nước đó đang moi tiền đóng thuế của dân để chi viện súng ống đạn dược cho anh tổng thống gốc hề hy sinh xương máu của người dân U-cà đó thôi. Còn cái hội nghị Gờ-20 thì ai chẳng biết hầu hết trong đó cũng là các nước đang hà hơi tiếp sức cho anh cựu diễn viên hài Dê-len-sờ-ki.

-Đúng là ông cũng có quan tâm đến thời sự quốc tế. Vậy còn chuyện FIFA từ chối không cho anh ấy nói chuyện trước trận chung kết Quơ-cup thì sao?       

-Về chuyện này thì tôi biết được, việc FIFA từ chối anh Dê-len-sờ-ki không phải là vấn đề chính trị đầu tiên mà Liên đoàn Bóng đá thế giới giải quyết trong suốt kỳ Quơ-cup năm nay. Cụ thể là trước đó FIFA đã phải quyết việc một số đội bóng châu Âu nhất quyết đeo băng đội trưởng bằng “lá cờ cầu vồng” trong các trận đấu để ủng hộ quyền của cộng đồng Eo-gi-bi-ty-kiu..

-Ông nói cái gì lạ quá vậy, nói rõ ra cho dễ hiểu đi?

-À…cụm từ Eo-gi-bi-ty-kiu là tui đọc các từ viết tắt LGBTQ, đúng ra đằng sau cụm từ viết tắt ấy còn có cái dấu cộng (+) nữa. Cụm từ này để chỉ cộng đồng người có “xu hướng tính dục và bản dạng giới tính khác biệt” mà dân gian thường gọi chung là “pê-đê” đó. Mỗi từ viết tắt chỉ một “xu hướng” hoặc “bản dạng” khác nhau. Còn “lá cờ cầu vồng” được xem là biểu tượng của cộng đồng ấy. Do sự tồn tại của cộng đồng này hiện chưa đồng nhất trên thế giới, có nước thì công nhận, có nước thì không công nhận tính chất pháp lý về mặt giới tính của cộng đồng này, từ đó mà ở nhiều nước có xuất hiện sự đấu tranh để đòi hỏi sự công nhận về mặt pháp lý ấy. Thế là từ một vấn đề xã hội nó đã chuyển thành vấn đề chính trị ở các nước trên thế giới.

-Thì ra vậy. Nghĩa là khi khởi tranh Quơ-cup, FIFA đã phải từ chối việc một số đội bóng đòi đeo băng đội trưởng bằng “lá cờ cầu vồng” tượng trưng cho sự “đa dạng màu mè” của cộng đồng người có “giới tính khác biệt” kia chứ gì?!

-Đúng, những việc từ chối giải quyết yêu cầu đội trưởng bóng đá đòi “đeo băng cầu vồng”, Dê-len-sờ-ki đòi nói chuyện “hoà bình thế giới” cho thấy FIFA luôn thể hiện lập trường rõ ràng, dứt khoát không để chính trị xen vào bóng đá.

-Hay, thể thao là thể thao, tất cả vì sự phát triển lành mạnh thể chất, trí tuệ của con người, dứt khoát không thể để cho thể thao bị chi phối bởi xu hướng chính trị nào hết. Có vậy mới đúng ý nghĩa thể thao, trong đó có bóng đá, đem lại nguồn vui, niềm hạnh phúc chân chính cho mọi người trên thế giới, không phân biệt chi cả.    

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh