Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để cán bộ dám nghĩ, dám làm
Thứ sáu: 07:52 ngày 27/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại biểu quốc hội Trần Hữu Hậu cho rằng, cần phải làm sao để CBCCVC các cấp không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ dám làm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao tặng cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022.

Ngày 29.9.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua đó nhằm thể chế hoá các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nhất là Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Cơ chế bảo vệ cán bộ “7 dám”

Tại hội thảo “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước - Thực trạng và giải pháp” do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức, rất nhiều ý kiến tham luận của đại biểu đã thẳng thắn nhận diện thực trạng và kiến nghị Trung ương một số vấn đề về công tác tổ chức, cán bộ.

Đáng chú ý là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến: “Trước nhiệm vụ chung, cán bộ ở địa phương chúng tôi- cũng như nhiều địa phương khác, làm cái gì cũng phải theo đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn tổ chức, Điều lệ Đảng, đúng theo quy định pháp luật Nhà nước.

Còn ngoài ra không dám làm gì hết, mà không dám làm thì không còn năng động sáng tạo, vì năng động sáng tạo thì dễ bị vi phạm”. Từ đó, bà Yến kiến nghị sớm ban hành nghị định hướng dẫn để thực hiện cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị.

Về Kết luận số 14-KL/TW, ông Nguyễn Đức Hà- nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: “Đây là chủ trương rất lớn và rất quan trọng của Đảng ta. Bởi vì chúng ta đang rất cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mà chúng tôi vẫn thường nói cán bộ “6 dám” (“dám nghĩ”, “dám nói”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm”, “dám đổi mới, sáng tạo”, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách” - PV), vừa rồi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thêm một “dám” nữa là “dám hành động”.

Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đang rất cần những cán bộ có “6 dám”, “7 dám” như vậy. Vì sao? Vì hiện nay thực tế có một số cán bộ, tuy không phải là nhiều, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, trốn tránh, không dám chịu trách nhiệm mà chúng ta cần phải đấu tranh”.

Bí thư Đảng uỷ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh (bìa phải) và các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của phường hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công quốc gia và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ông Hà phân tích thêm: “Vì sao lại là kết luận mà không gọi là quy định, vì đây là một chủ trương của Bộ Chính trị. Nếu gọi là Quy định số 14 của Bộ Chính trị thì chỉ có hiệu lực trong Đảng thôi, nhưng vấn đề năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là của toàn xã hội.

Chính vì thế, Bộ Chính trị ban hành kết luận về mặt chủ trương; để kết luận này đi vào cuộc sống thì Chính phủ phải có một nghị định cụ thể. Bởi khi đã trở thành nghị định của Chính phủ thì không chỉ hơn 5,2 triệu đảng viên thực hiện mà nó là 100 triệu công dân Việt Nam và khi đã có quy định cụ thể thì đi vào thực tế dễ hơn”.

Mới đây, ngày 29.9.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua đó nhằm thể chế hoá nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nhất là Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Nghị định quy định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo; chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ và trách nhiệm của cán bộ, cơ quan. Từ đó góp phần động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ

Phát biểu tranh luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, báo cáo của Chính phủ có nêu: “Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, thiếu trách nhiệm, gây ách tắc, chậm trễ trong giải quyết công việc”.

Theo đại biểu, đánh giá như vậy là không sai, tuy nhiên mới dừng ở “hiện tượng”, cần nhìn thẳng vào “bản chất” của vấn đề để có giải pháp căn cơ, thích hợp; bởi “cán bộ” là một trong những nhân tố quyết định đến thành công hay không thành công của mọi tổ chức, mọi công việc lớn nhỏ.

Đại biểu Hậu chia sẻ có dịp được tiếp xúc với nhiều cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã, trong đó có cả những cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, đại biểu nêu lên những trăn trở của phần đông cán bộ, công chức đang sợ sai là sợ cái gì? Tại sao họ sợ? Từ thực tiễn, đại biểu cho rằng, trong thực thi công vụ khi đã có các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ thì cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ nỗ lực để năng động, sáng tạo tìm những cách làm hiệu quả hơn và chẳng có gì phải sợ.

Nhưng thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành của Đảng, pháp luật Nhà nước. Và chúng ta đang gọi họ là những người “dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”.

Trong khi đó, Điều lệ Đảng quy định về những điều đảng viên không được làm cũng như Luật Cán bộ công chức đều yêu cầu: đảng viên, CBCCVC phải “chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, không được “chủ trì, tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện không đúng quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước”. Quy định như thế là rất đúng, là những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức Đảng và Nhà nước của chúng ta, tuy nhiên, CBCCVC khi đứng trước sự lựa chọn giữa “không làm thì… không sai” với “làm thì vi phạm quy định, vi phạm pháp luật” chắc chắn hết sức phân vân!

Đại biểu Hậu nhận định việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cũng trở thành việc rất khó khăn, có vẻ “bất khả thi”, bởi lẽ bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Và cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến Quốc hội vì vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.

Đó là chưa nói đến việc cấp trên và các cơ quan chức năng khó mà đánh giá được người dám nghĩ, dám làm có hoàn toàn vì lợi ích chung không? Và cũng vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng lại chuyển ngược lên cho cấp trên quyết, cấp trên cho ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến.

Bằng sự sáng tạo, giáo viên trường Mầm non Hương Sen (thị xã Hoà Thành) xây dựng “góc hình ảnh” về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường xuyên kể những mẩu chuyện về Bác Hồ cho học sinh nghe.

Từ những phân tích và đưa ra dẫn chứng, đại biểu Hậu cho rằng, cần phải làm sao để CBCCVC các cấp không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ dám làm. CBCCVC các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để “năng động, sáng tạo” thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Để làm được điều này thì khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp, phải tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ, đơn giản, ngắn gọn.

Ở một góc độ khác, cũng có những cán bộ không dám nghĩ, dám làm, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm là do năng lực hạn chế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, một trong những giải pháp để xử lý tình trạng này đó là phải nâng cao chất lượng, minh bạch trong công tác đánh giá cán bộ; xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong thực thi công vụ- nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Trên cơ sở đánh giá cán bộ để sắp xếp, bố trí cán bộ trúng và đúng với năng lực, trình độ, trách nhiệm cán bộ.

“Kiên quyết thay thế, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ không bản lĩnh, thiếu quyết đoán, không có trách nhiệm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc, gây trì trệ, ách tắc công việc; cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, cản trở, kìm hãm vì sự phát triển chung trên tinh thần “Ai không dám làm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác, cán bộ khác làm”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh