Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề cao cảnh giác tội phạm lừa đảo trên mạng, qua điện thoại
Thứ sáu: 09:04 ngày 23/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gần đây, Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận thông tin nhiều vụ việc lừa đảo qua không gian mạng, qua điện thoại khiến nhiều người mất tiền với giá trị lớn. Trước tình trạng này, Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị người dân đề cao cảnh giác, đề phòng kẻ xấu.

Nhiều người bị lừa

Theo Công an Tây Ninh, vừa qua, qua điện thoại di động, đối tượng tên Nhân (không rõ nhân thân lai lịch) giới thiệu là nhân viên công ty truyền thông quảng cáo, rủ anh C.D.L (ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh) tham gia làm cộng tác viên follow cho các nhân vật nổi tiếng trên ứng dụng TikTok để được trả phí thông qua mạng xã hội.

Sau đó, y rủ anh L đầu tư “từ thiện xã hội” thông qua ứng dụng Telegram và một đường link trên điện thoại di động. Khi thực hiện hoàn thành mỗi công việc được giao, anh L được trả lợi nhuận từ 20% đến 50% vốn đầu tư. Anh L tin nên đã nhiều lần chuyển tiền do đối tượng chỉ định vào các số tài khoản khác nhau với tổng số tiền gần 1 tỷ 200 triệu đồng). Tuy nhiên, ngay sau đó, kẻ lừa đảo đã cho anh L đăng xuất khỏi nhóm trong ứng dụng Telegram và đường link do chúng hướng dẫn anh đăng nhập trước đó.

Qua mạng xã hội, đối tượng sử dụng tài khoản Zalo Lê Trọng Việt kết bạn và tư vấn làm cộng tác viên trên hệ thống bán hàng Lazada để kiếm thêm thu nhập với  bà Đ.H.H. Bà H đồng ý, cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng và được hướng dẫn thực hiện công việc như sau: Đối tượng gửi cho bà H một đường dẫn. Khi bà H nhấn vào đường dẫn này thì hiện ra thông tin và giá tiền sản phẩm.

Bà H chuyển số tiền theo giá của sản phẩm vào tài khoản 04101010733378 tên TRAN KIM HONG và nhận lại số tiền hoa hồng từ 8% đến 20% (tuỳ theo giá của sản phẩm). Sau đó, bà H bị nhóm đối tượng này lừa đảo chuyển gần 660 triệu đồng vào tài khoản 04101010733378 và bị chiếm đoạt.

Qua mạng xã hội Telegram, bà H.T.T.T (ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) bị đối tượng không rõ nhân thân lai lịch rủ rê tham gia đầu tư ngoại tệ thu lợi nhuận qua ứng dụng Radian trên điện thoại di động. Bà T tin nên nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của mình rồi nhiều lần chuyển tiền vào các số tài khoản khác nhau do đối tượng chỉ định với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng để y hướng dẫn đặt lệnh mua ngoại tệ nhằm thu lợi nhuận. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền của bà đã không cánh mà bay theo kẻ lạ.

Một thủ đoạn khác là tội phạm công nghệ chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo của người dùng, hoặc tạo nick giả của người quen biết với bị hại rồi nhắn tin mượn tiền. Đáng chú ý là đối tượng sử dụng phần mềm chỉnh sửa khi gọi trực tiếp hình ảnh giống như người thật nói chuyện.

Như trường hợp bà M.T.N nhận được tin nhắn đối tượng giả mạo nick Facebook của con bà N là chị P (đang sinh sống và làm việc tại Singapore) với nội dung bạn làm việc chung với chị cần tiền gửi về Việt Nam để trị bệnh cho người thân. Kẻ lừa đảo yêu cầu bà N chuyển tiền vào tài khoản đối tượng chỉ định, P sẽ nhận tiền mặt và hoa hồng tại Singapore. Bà N tưởng là con mình thật nên chuyển khoản tổng số tiền là 481 triệu đồng rồi bị chiếm đoạt trong sự phẫn uất.

Hay như chị L.N.D (ngụ Gò Dầu, Tây Ninh) nhận được cuộc gọi của đối tượng tư vấn mời chị D tham gia làm việc tại nhà. Công việc là lên mạng like bài trên Facebook, mỗi bài được trả 10.000 đồng. Đồng thời, đối tượng yêu cầu chị D chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng chỉ định để được hưởng hoa hồng (30%-35%). Chị D tin tưởng và đã 19 lần chuyển với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng trên và bị chiếm đoạt.

Ngoài ra, tội phạm lừa đảo lợi dụng công nghệ AI-Deepfake (làm giả cuộc gọi video có độ chính xác cao, rất khó phân biệt thật giả) nhằm tiếp cận bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mạo danh Bảo hiểm thông báo nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nợ tiền quỹ bão hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt.

Chủ động phòng ngừa

Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi, nắm thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, mọi người cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... tránh bị lừa đảo.

Người dân cần biết, cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát) khi làm việc với bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án... phải gửi giấy triệu tập trực tiếp. Trường hợp không giao trực tiếp được thì thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án... đang cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người được triệu tập đang làm việc, học tập để chuyển giao lại cho người được triệu tập.

Việc giao nhận giấy triệu tập có ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận cụ thể. Việc triệu tập không được thực hiện bằng miệng, qua điện thoại hoặc tin nhắn như tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ các cơ quan Nhà nước, Công an, Kiểm sát đã thực hiện thời gian qua.

Người dân cần thận trọng khi nhận được các cuộc gọi lừa đảo tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên nhà mạng, cán bộ ngân hàng, cán bộ Công an... yêu cầu thao tác bấm vào các số mà đối tượng hướng dẫn hoặc giả mạo Công an đề nghị nâng cấp dữ liệu quốc gia về dân cư, yêu cầu nạn nhân đọc mật khẩu tài khoản ngân hàng (mã OTP) để xác minh trong hệ thống dữ liệu hoặc nhiều lý do khác để lấy thông tin tài khoản ngân hàng.

Mọi người tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng. Không mở các tin nhắn, e-mail từ nguồn không rõ ràng. Không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết.

Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Thận trọng trước các đường link yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP với bất kỳ lý do gì.

Khi mua hàng qua mạng, mọi người cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hoá, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua.

Công an Tây Ninh cũng khuyến cáo mọi người thận trọng khi bình luận (comment) để lại số điện thoại của mình khi mua hàng “live stream” trên mạng. Các đối tượng lừa đảo sẽ theo dõi và biết được số điện thoại đó và dùng các thủ đoạn để gọi điện yêu cầu cung cấp mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Trong mọi trường hợp, người dân không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng; không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng. Trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục