Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để cây mít mang lại hiệu quả lâu dài
Thứ hai: 00:23 ngày 24/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, nông dân trồng mít (mít Thái siêu sớm và mít lá bàng) trên địa bàn tỉnh có thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, việc người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng mít, mà chưa xác định được đầu ra ổn định cho loại trái cây này khiến nhiều người lo ngại.

Ông Phan Văn Dũng và vườn mít của gia đình.

Giá mít giảm mạnh

Cây mít dễ trồng, dễ chăm sóc, ít kén đất, khả năng thích nghi môi trường tốt, có thể trồng xen canh với một số cây trồng công nghiệp lâu năm. Bên cạnh đó, cây nhanh cho trái, khi chín có thịt vàng đậm, rất ít xơ, ráo nước, giòn ngọt và có mùi thơm dịu. Ðây là loại cây ăn trái có nhiều tiềm năng phát triển, thực tế có nhiều nông dân khá giả nhờ cây mít. Do đó, không ít nông dân lựa chọn chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mít.

Ông Phan Văn Dũng, ngụ xã Hoà Hội, huyện Châu Thành chuyển gần 2 ha trồng tràm sang trồng mít lá bàng và mít Thái siêu sớm. Theo ông Dũng, muốn cây mít cho năng suất cao, trái to, múi đạt chất lượng thì nông dân phải biết kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây...

Những năm 2018, 2019, mít Thái siêu sớm có giá khá cao, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 60.000 đồng/kg; còn mít lá bàng có giá bán từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, được thương lái và doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá mít có dấu hiệu giảm mạnh do nguồn cung tăng, mà thị trường xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Dũng chia sẻ, khoảng 2 năm trước, cây mít cho thu nhập ổn định từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Thời gian gần đây, giá mít giảm do xuất khẩu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thương lái và các vựa thu mua mít áp dụng các tiêu chuẩn phân loại hàng khắt khe hơn nên hầu hết mít của gia đình đều bị thương lái chấm giá loại 2, loại 3, tỷ lệ mít đạt loại 1 rất thấp, thậm chí có vụ thu hoạch chỉ được 40-50kg mít loại 1.

Ông Hải, ngụ xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu chuyển đổi 1 ha diện tích trồng lúa, hoa màu sang trồng mít Thái siêu sớm và mít lá bàng. Do chưa nắm vững về kỹ thuật chăm sóc, vườn mít của gia đình ông bị nhiễm bệnh, năng suất kém, chất lượng thấp. Theo ông Hải, nếu tháng trước, giá mít Thái còn khoảng 15.000 đồng/kg và 3.000 - 3.500 đồng/kg đối với mít lá bàng thì hiện nay, giá mít lá bàng chỉ khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg, mít Thái siêu sớm cũng chỉ còn 7.000 - 9.000 đồng/kg.

Ðáng chú ý, tại huyện Tân Biên, một số nông dân trồng mít thái, mít lá bàng với diện tích lớn đã liên kết được với doanh nghiệp nên giá mua vẫn ở mức khá, thu nhập ổn định. Như gia đình ông Nguyễn Ðông Long, ngụ xã Tân Lập, nhờ ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp ngay từ đầu năm nên mít Thái của gia đình ông vẫn được thu mua với giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg.

Thận trọng khi phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, diện tích cây mít trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh, từ 991 ha năm 2017 lên 1.410 ha năm 2020 (tăng 419 ha). Khoảng 5 năm gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng mít rất nhanh, dẫn đến lượng cung và cầu mất cân đối, kéo theo giá bán của sản phẩm ngày càng thấp. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh xuất hiện như: ruồi đục trái, sâu đục thân, bệnh thối trái, xơ đen, nấm hồng… làm mít ngày càng mất giá trị.

Ðể phát triển cây mít trong thời gian tới, ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý, người dân cần chọn giống mít sạch bệnh, bảo đảm kỹ thuật canh tác, mật độ trồng, không trồng ở vùng đất thấp.

Ðặc biệt, để cây mít cho hiệu quả kinh tế lâu dài, người dân nên ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Trên thực tế, một số hộ trồng mít trong tỉnh đã ký được hợp đồng bao tiêu, dù giá cả không quá cao nhưng về cơ bản, nông dân có nguồn tiêu thụ. Nên trồng mít thành những vùng tập trung, không trồng nhỏ lẻ dẫn đến việc liên kết tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nếu mở rộng diện tích, nông dân cần phải tìm hiểu thông tin về thị trường tiêu thụ, nước nhập khẩu để tránh dư thừa nguồn cung.

Ðể bảo đảm hiệu quả sản xuất lâu dài cho người trồng mít, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để có định hướng kịp thời cho nông dân, tránh phát triển diện tích quá nhiều và sản xuất trên những vùng đất không phù hợp. Kịp thời hỗ trợ thông tin thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất theo hướng quản lý vùng trồng được bao tiêu, hợp đồng sản xuất cho người trồng.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục