PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đế chế Park Hang-seo ở Việt Nam
Thứ sáu: 15:18 ngày 18/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đầu năm 2009, tại Hàng Châu, Việt Nam thua thảm chủ nhà Trung Quốc 1-6 ở vòng loại Asian Cup. Trận đó diễn ra chỉ một tháng sau khi Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2008.

Ngược lại, chưa đầy một tháng sau lần vô địch AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam do HLV Park Hang-seo dẫn dắt đã lọt vào đến tứ kết Asian Cup 2019, chỉ dừng bước trước ông lớn Nhật Bản với cách biệt tối thiểu 0-1.

Ngay ở giải đấu chính thức đầu tiên, tại vòng chung kết U23 châu Á 2018, HLV Park Hang-seo đã để lại những dấu ấn không thể phai trong tâm tưởng người hâm mộ Việt Nam. Ảnh: Anh Khoa.

Mỗi chiến công đều có những giá trị riêng. 10 năm trước, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Henrique Calisto đã tạo ra một bước ngoặt cho bóng đá Việt Nam với chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử. Trước đó, Việt Nam không có bất kỳ danh hiệu nào ở cấp độ đội tuyển quốc gia ngoài một vài giải giao hữu.

Tính luôn cả mọi đội tuyển ở bóng đá nam, cũng chỉ có hai chức vô địch U16 và U19 Đông Nam Á vào các năm 2006, 2007. Thành tích bị giới hạn thì khó mà thay đổi đẳng cấp. Vì vậy, danh hiệu AFF Cup 2008 sau hai trận chung kết lượt đi - lượt về với kình địch Thái Lan, bên cạnh ý nghĩa lịch sử, phần nào đó đã cho thấy tiềm năng của bóng đá Việt Nam.

Nhưng những ngày vui khi đó quá ngắn ngủi. Bước ra khỏi Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam chạm ngay những giới hạn về bản lĩnh và trạng thái chơi bóng. Thời điểm tháng 1/2009, Trung Quốc không phải là nền bóng đá mạnh. Họ chỉ đứng thứ 103 FIFA, nằm ngoài top 10 châu Á, trong khi Việt Nam đang là đội tuyển thăng tiến nhanh nhất trong bảng thứ tự FIFA. Dù vậy, khoảng cách giữa chúng ta và châu lục vẫn rất diệu vợi.

Trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2011 lúc đó, Việt Nam chỉ giành được một chiến thắng trước Lebanon, thua Trung Quốc hai lượt, thất bại 0-1 trước Syria ngay tại Mỹ Đình. Đến AFF Cup 2010, đội bóng của Calisto thua luôn Philippines ở vòng bảng và dừng bước tại bán kết. Bắt đầu từ đó, chúng ta trượt dài mà không biết khi nào mới dừng lại. Không vào được chung kết SEA Games hay AFF Cup nào nữa, vị trí FIFA có lúc rơi xuống tận 154. Tình hình tệ đến mức, khi mới đến HLV Park Hang-seo cũng chỉ dám hứa đưa Việt Nam trở lại top 100 FIFA.

Mọi so sánh chỉ là tương đối, nhưng vài con số nói trên cũng đủ cho thấy một gia tài đồ sộ mà ông đang xây dựng cho bóng đá Việt Nam lúc này.

Trận thắng trước Indonesia ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hôm 15/10 là lần thứ 21, các đội tuyển do Park chỉ đạo bất bại trước các đội bóng Đông Nam Á. Cụ thể: đội tuyển quốc gia thắng 11 và hòa 3, trong khi đội U23 toàn thắng 7 trận. Trong hai năm qua, các thất bại (không tính luân lưu) ở các giải đấu chính thức diễn ra trước Hàn Quốc (hai lần), Nhật Bản (một lần), Iraq (một lần) và Iran (một lần). Đó đều là các đội bóng xếp trong top 10 châu Á. Ngược lại, chúng ta có các chiến thắng trước Nhật Bản, Australia, Qatar, Trung Quốc...

Đấy đơn thuần là những con số. Để xét trình độ, hay rộng hơn, đẳng cấp của một đội bóng, thì phải nói về yếu tố thời gian và sự đa dạng về nhân sự của tuyến kế cận. Lúc này, Park hầu như "vô đối" nếu so sánh với những người tiền nhiệm.

Sau hai năm trong bản hợp đồng đầu tiên, Park Hang-seo được kỳ vọng có thể làm rất nhiều điều nữa với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

Đã có cái gọi là "chu kỳ hai năm" với các HLV từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tính từ năm 1995 đến nay. Đó là một dạng khái niệm bất thành văn mang tính thành - bại với mọi nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, do nó gắn liền với các chu kỳ World Cup và xen kẽ với các giải vô địch châu lục. Một đội tuyển có đẳng cấp hàng đầu cũng buộc phải có ít nhất hai chu kỳ hai năm thành công. Và một HLV nào dẫn dắt đội tuyển ở hai lần "chu kỳ hai năm" thì có thể xem là đã tạo ra một đế chế cho riêng mình.

Bóng đá Việt Nam trước thời Park Hang-seo chưa vươn đến đẳng cấp châu Á, cũng vì không vượt qua giới hạn của chu kỳ hai năm này.

Không tính những trường hợp mang tính "khai thiên - phá thạch" thông qua các thành tích bất ngờ giai đoạn 1995-1997 với ba đời HLV Edson Tavares (1995), cố HLV Karl Heinze Weigang (1995-1996), Colin Murphy (1997) thì chỉ có các HLV Alfred Riedl, Calisto và Park là để lại các dấu ấn đặc biệt trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi họ phần nào đó chạm đến khả năng vượt qua chu kỳ hai năm. Nhưng xét về tầm vóc, Park Hang-seo xứng đáng gọi là "Người Đặc Biệt".

Riedl đã ba lần làm việc ở Việt Nam, tổng cộng năm năm với một trận chung kết AFF Cup và ba trận chung kết SEA Games. Tuy nhiên, chu kỳ thành công của ông  cũng không kéo dài quá hai năm. Ông đưa đội tuyển quốc gia vào chung kết AFF Cup 1998 và chung kết SEA Games 1999, nhưng năm kế tiếp thì thất bại ở Tiger Cup 2000. Ông đưa đội U23 vào chung kết SEA Games 2005 nhưng dừng bước ở bán kết AFF Cup 2006, thăng hoa cùng đội tuyển với tứ kết Asian Cup 2007 nhưng cuối năm đó, bị sa thải vì thất bại ở SEA Games cùng đội U23.

Calisto cũng vậy. Năm 2008, vô địch AFF Cup. Năm 2009, vào chung kết SEA Games nhưng đến năm 2010 thì các đội tuyển do ông dẫn dắt bắt đầu sa sút toàn diện ngay sau khi ông gia hạn hợp đồng. Từ đó, không HLV nào ngồi quá hai năm hợp đồng do sự thiếu ổn định về thành tích. Ngay cả HLV người Nhật Bản Toshiya Miura, người có khởi đầu như mơ với việc đánh bại Olympic Iran để lọt vào vòng 1/8 Asiad 2014, vào bán kết AFF Cup cùng năm, cũng không trụ hết được hợp đồng hai năm.

Thành tích của các đời HLV đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup. Đồ họa: Tiến Thành. 

Lúc này, trong khi bản hợp đồng đầu tiên của Park chuẩn bị đáo hạn, tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam đang xếp trong danh sách 11 đội bóng có điểm số tốt nhất để hướng đến vòng loại cuối cùng - điều mà hàng chục năm qua chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của bóng đá Việt Nam. Mục tiêu HC vàng SEA Games lịch sử đang chờ trước mắt. Giấc mộng tái lặp kỳ tích Thường Châu và tấm vé dự Olympic 2020 cũng đang háo hức được hiện thực hóa. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có những kỳ vọng lớn lao nhưng cũng gần gũi đến như vậy.

Nỗi khổ của VFF trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng với nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng nói lên vị thế của Park Hang-seo lúc này. Đó là HLV số một trong lịch sử bóng đá Việt Nam, và hơn thế, ông là HLV duy nhất đã làm thay đổi bóng đá Việt Nam một cách toàn diện, không chỉ là đẳng cấp đội tuyển quốc gia mà còn những tác động lâu dài đến toàn bộ nền bóng đá.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục