Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến phát huy hiệu quả
Thứ sáu: 00:42 ngày 24/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhanh, nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định hiện hành.

Cầu máng kênh Tây (TP Tây Ninh) được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp. Ảnh chụp tháng 2.2022

Phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thuỷ lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiết kiệm trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống công trình thuỷ lợi sau nhiều năm sử dụng, tuy được nâng cấp, sửa chữa, nhưng việc đầu tư kết nối đồng bộ đến cống lấy nước chậm được quan tâm thực hiện, các tuyến kênh tưới dưới 50 ha, khoảng 393 tuyến kênh đất chưa được đầu tư kịp thời để mở rộng vùng tưới, diện tích tưới tăng thêm hằng năm còn hạn chế; tỷ lệ kiên cố hoá đạt 70%, kết quả tưới đạt 75,8% so diện tích thiết kế.

Hiện nay, nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa công trình thuỷ lợi được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước hằng năm, trung bình mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp thuỷ lợi và khoảng 23 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ, công ích thuỷ lợi để sửa chữa công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Do đó, nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, làm mới kênh dưới 50 ha hầu như không có. Vì vậy, việc đầu tư kiên cố hoá kênh tưới dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh cần có chính sách đầu tư.

Từ thực tế sản xuất những năm qua cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã đóng góp hiệu quả vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ứng phó với hạn hán, đặc biệt đối với những vùng thiếu nước. Bên cạnh đó, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng ở những vùng đất dốc, đất cát, hoang hoá.

Theo HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình, xã An Bình (huyện Châu Thành), hiện nay, phần lớn năng lực đội ngũ cán bộ của các tổ chức thuỷ lợi cơ sở trên địa bàn còn hạn chế, đa số cán bộ chưa được đào tạo bài bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm quản lý. Một số cán bộ đã được đào tạo thông qua các chương trình, dự án, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ này thường xuyên bị thay đổi theo nhiệm kỳ đại hội xã viên HTX. Mặt khác, chế độ thù lao, đãi ngộ chưa phù hợp, không thu hút được người có bằng cấp đến làm việc tại các tổ chức thuỷ lợi cơ sở.

Chính vì vậy, HTX dịch vụ nông nghiệp này kiến nghị cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp để kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, cá nhân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Vận động, kêu gọi từ các chương trình, dự án hỗ trợ cho các địa phương trong việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và đầu tư xây dựng các mô hình, các vùng sản xuất quy mô thực hiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, các tuyến kênh tưới dưới 50 ha chủ yếu là kênh đất, đã xuống cấp thường xuyên bị thấm, rò rỉ, thất thoát nước, gây tổn thất lãng phí nguồn nước trên hệ thống kênh tưới tương đối lớn, hiệu quả sử dụng nước tưới trên một đơn vị diện tích thấp chưa được đầu tư kịp thời để mở rộng vùng tưới; kết quả tỷ lệ kiên cố hoá đạt 70%, kết quả tưới đạt 75,8% so diện tích thiết kế; chưa đáp ứng nhu cầu cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xây dựng quy định chính sách hỗ trợ công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ kinh phí để đầu tư kiên cố hoá kênh tưới dưới 50 ha, đồng bộ với hệ thống kênh mương hiện có, mở rộng vùng cấp nước, kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông, từng bước hiện đại hoá hệ thống công trình thuỷ lợi, phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu các thiệt hại do nguồn nước gây ra.

Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông khu vực xã Hảo Đước (huyện Châu Thành). Ảnh chụp tháng 3.2022

Hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhanh, nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định hiện hành.

Đối với việc đầu tư công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2022-2030, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hoá 393 tuyến kênh với tổng chiều dài là 129,67km, tổng mức đầu tư là 172,03 tỷ đồng phục vụ tưới 8.034 ha, trung bình một đơn nguyên kênh kiên cố hoá chiều dài 6m với kinh phí 7,96 triệu đồng.

Trong đó, giai đoạn 2022-2025, nâng cấp, sửa chữa và bê tông hoá là 230 tuyến kênh và công trình trên kênh với tổng chiều dài là 70,38km, tổng mức đầu tư là 93,37 tỷ đồng để phục vụ cấp nước cho diện tích tưới thiết kế là 4.871 ha.

Giai đoạn 2026-2030, nâng cấp, sửa chữa và bê tông hoá là 163 tuyến kênh và công trình trên kênh với tổng chiều dài là 59,29 km, tổng mức đầu tư là 78,66 tỷ đồng để phục vụ cấp nước cho diện tích tưới thiết kế là 3.433 ha.

Đối với việc tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2022-2030, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lồng ghép mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tổ chức tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Phấn đấu phát triển diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là 193.725 ha, dự kiến mỗi năm tăng khoảng 8.400 ha đối với tất cả các loại cây trồng và tăng 780 ha cây trồng chủ lực so với năm 2020.

Dự kiến nguồn lực để phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực đến năm 2030 là 79,56 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho 4.410 ha. Trong đó, 18 ha tưới nhỏ giọt, tưới ngầm với kinh phí 0,72 tỷ đồng; 3.492 ha tưới phun mưa với kinh phí 69,84 tỷ đồng; hỗ trợ san phẳng đồng ruộng 900 ha với kinh phí 9 tỷ đồng. Ngoài ra, lồng ghép các nguồn vốn các chương trình nông thôn mới, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, sự nghiệp, đầu tư công để đầu tư hạ tầng thuỷ lợi hỗ trợ phục vụ phát triển, nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan góp phần nâng cao hiệu quả công trình thuỷ lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; người dân đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp cần thiết trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đem lại hiệu quả về nhiều mặt như: giảm chi phí sản xuất, giải quyết được việc thiếu nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục