Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để cuộc sống này tươi đẹp hơn
Thứ sáu: 15:46 ngày 11/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu chuyện kể về hai vợ chồng đều là cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu. Cả hai ông bà đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Những năm tháng còn lại của cuộc đời, hai ông bà quyết định hiến xác cho y học.

Ông bà Dương Văn Bổn và Trần Diễm Hồng

Ông Dương Văn Bổn sinh năm 1949, tại Campuchia. Năm 1970, cùng với nhiều thanh niên người Việt Nam sinh ra ở đất nước Chùa Tháp, ông lên đường nhập ngũ (Quân đội nhân dân Việt Nam). Năm 1973, đơn vị ông Bổn chuyển về chiến đấu ở đồng bằng Sông Cửu Long. “Thời gian chiến đấu ở đây, đơn vị tôi tổn thất lớn, sau đó chúng tôi được lệnh hành quân ra đảo Thổ Chu cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1976, tôi chuyển về công tác tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh”- ông Bổn kể.

Ông Dương Văn Bổn

Ông nói tiếp, những năm đầu giải phóng, chưa kịp hồi phục để tái thiết, xây dựng lại đất nước, chúng ta lại phải chiến đấu với quân Khmer đỏ ở biên giới Tây Nam. “Lúc quân Khmer đỏ tràn sang, tôi đi học, cả gia đình tôi và nhiều người nữa trốn vào đám mía trên địa bàn ấp Tân Khai, xã Tân Lập (hiện nay), may mắn quân giặc không phát hiện nên mọi người đều sống sót. Nhờ ẩn mình trong rẫy mía, phía trước có sự chiến đấu của Công an nhân dân vũ trang, vì thế người dân nơi này bảo toàn được mạng sống”- ông Bổn nói về tình hình biên giới những năm đầu sau giải phóng miền Nam.

Vợ ông, bà Trần Diễm Hồng, quê tỉnh Bến Tre, hai người gặp nhau và nên duyên vợ chồng trên mảnh đất vừa giải phóng nhưng khói lửa chiến tranh vẫn chưa dứt (biên giới Tây Nam). “Hồi nhỏ tôi đi học, lớn lên theo mẹ làm giao liên cho cách mạng ở quê hương đồng khởi Bến Tre. Tôi có lợi thế là học sinh, ít bị quân địch nghi ngờ. Sau năm 1975, người cậu ruột của tôi đi tập kết từ miền Bắc về, ổng đưa tôi lên Tân Biên, Tây Ninh sinh sống. Tôi gặp ông nhà tại vùng đất này”- bà Hồng kể về cuộc đời từ khi là một nữ sinh cho đến ngày giữ chức Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên trước khi nghỉ hưu, năm 2002.

Bà Trần Diễm Hồng

Nghỉ hưu, hai ông bà bàn bạc và quyết định hiến xác cho khoa học. Đây là một quyết định không hề dễ dàng. “Tôi quyết định hiến xác của tôi cho y học đã lâu. Khi cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng với bà nhà, tôi bắt đầu tìm hiểu thủ tục hiến xác nhưng không biết hỏi ai, tìm nguồn thông tin ở đâu. Một hôm, tôi mua tờ báo Tuổi trẻ, số báo đó có một bài viết về việc hiến xác cho y học và hướng dẫn trình tự làm thủ tục…”. Chuyện tiếp theo như thế nào? Ông Bổn kể tiếp, ông nói với bà rằng, mình đã làm việc cho đất nước từ tuổi thanh xuân cho đến khi nghỉ công tác, bạn bè, đồng đội, đồng chí của ông nhiều người ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Tôi nghĩ, cả đời tôi đã làm nhiều việc tốt, sống hết mình cho quê hương, đất nước. Sau này qua đời, không làm gì được nữa nhưng vẫn có thể đóng góp chút gì đó cho khoa học. Vì thế, tôi quyết định hiến xác. Thật may, bà nhà đồng ý, nhưng tôi chưa thông báo cho con cái biết chuyện này”. Sau đó ông Bổn gửi đơn, hồ sơ liên quan cho một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, trình tự, thủ tục đến đây coi như tạm ổn. Quyết định hiến xác cho khoa học, ông Bổn không nhận được sự ủng hộ của con cái. “Tôi làm cán bộ, tôi nói dân nghe, vậy tại sao lại không thuyết phục được con mình. Tôi bỏ thời gian vận động, giải thích, cuối cùng hai đứa con trai đồng ý với ý nguyện của ba”- ông Bổn kể. “Gặp một số sinh viên y khoa, biết tôi đăng ký hiến xác cho y học, các cháu hoan nghênh. Tôi cũng dặn con cái, sau khi ba mẹ qua đời, đã được nơi tiếp nhận xử lý thì các con không phải đến viếng trong bệnh viện. Tôi không muốn con tôi nhìn thấy ba mẹ nằm trong đó. Tóm lại, tôi đã căn dặn con cái hết mọi điều. Tâm niệm của tôi là, ngay cả khi mình không còn trên thế gian này, vẫn có thể đóng góp cho cuộc sống, theo một cách khác”- ông Bổn dừng cuộc trò chuyện.

“Thời gian làm việc, tôi đọc nhiều tạp chí liên quan đến sức khoẻ, đến sự tiến bộ của y học. Một lần, tôi đọc bài báo, nội dung kể về một người phụ nữ mới ngoài ba mươi tuổi đã hiến xác cho y học. Ý định hiến xác cho y học sau khi rời khỏi cuộc sống này hình thành trong tôi. Tôi bàn với ông nhà, cả cuộc đời mình đã sống, cống hiến hết mình cho Đảng, cho đất nước, cho đồng bào mình. Sau này mình không còn nữa thì hiến xác như một sự đóng góp cho khoa học để cuộc sống này tươi đẹp hơn”- bà Hồng tiếp nối dòng suy tư của chồng.

Theo lời bà, bản thân “cảm thấy tiếc nuối vì tuổi cao, chỉ có thể hiến xác, không thể hiến tạng". Chúng tôi hỏi tiếp, 12 năm qua, từ khi quyết định hiến xác cho khoa học đến thời điểm này, bà đã bao giờ nghĩ lại, rút lại chưa? “Chưa bao giờ và không bao giờ, vì chúng tôi đã quyết định dứt khoát việc đó. Điều tốt đẹp nhất của việc hiến xác, theo tôi là đóng góp cho cuộc sống, cho khoa học ngay cả khi mình không còn. Tôi muốn việc làm, quyết định của hai vợ chồng tôi lan toả rộng hơn trong cộng đồng để ai đó có nguyện vọng thì làm như chúng tôi”.

Có khi nào bà nghĩ thương con, vì sau này mỗi khi tết đến xuân về, con cái muốn ra thăm, thắp hương trên mộ phần của bậc sinh thành nhưng không có? Bà Hồng nói, bà trò chuyện với con rằng, nếu có hiếu, thương ba mẹ, hãy chăm sóc ba mẹ lúc còn sống. Còn khi mất đi, cũng chỉ còn là vật chất. “Thật lòng mà nói, tôi thương con, nhưng vợ chồng chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ rồi mới quyết định”- bà Hồng dừng lời.

Hiến xác cho y học không phải câu chuyện mới. Việt Nam cũng không phải quốc gia đầu tiên thực hiện việc này. Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ: “Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện… Đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại”. Có ai đó từng nói, “thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi rủa bóng đêm”. Những nhân vật trong câu chuyện này đã và đang thắp lên những ngọn nến để cuộc sống này tươi đẹp hơn.

Việt Đông - Hoàng Yến

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục