Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX cũng là năm đầu tiên một số xã trong tỉnh đăng ký xây dựng xã “Nông thôn mới”.
Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Tây Ninh có 59/95 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hoá, trong đó có 17 xã đã được công nhận “Xã văn hoá”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2010-2015 có đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ xây dựng 20% số xã đạt tiêu chuẩn “Nông thôn mới”, tương đương 17 xã trong tỉnh. Từ một xã văn hoá tiến đến một xã “Nông thôn mới” là một chặng đường khá xa. Bởi để được công nhận một xã nông thôn mới, các địa phương phải thực hiện đạt 19 tiêu chí theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX cũng là năm đầu tiên một số xã trong tỉnh đăng ký xây dựng xã “Nông thôn mới”. Chúng tôi đã tìm hiểu ba xã trong tỉnh về việc đăng ký xây dựng xã nông thôn mới. Gồm một xã được chọn làm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “Tam nông”, một xã được công nhận đạt chuẩn “Xã văn hoá” đầu tiên của tỉnh, và một xã có tiềm lực kinh tế mạnh với vùng chuyên canh mía và nhà máy đường lớn nhất nước trú đóng trên địa bàn.
Xã Phước Trạch:
Xã điểm thực hiện dự án “Tam nông”
Những ngày cuối năm về thăm xã Phước Trạch, chúng tôi được chứng kiến diện mạo của xã thay đổi nhanh chóng, nhiều công trình mới đã hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng như trụ sở làm việc của xã, trạm y tế... Đặc biệt là một đoạn đường chính của xã đã được nhựa hoá. Nằm ở mặt tiền đoạn đường này là trường THCS xã và trường tiểu học của xã vừa được lầu hoá rất khang trang.
Đường giao thông chính trong xã vừa được nhựa hoá |
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Phước Trạch cho biết, năm 2010 là năm thứ hai xã tiếp tục triển khai dự án “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) của Đảng. Được sự hỗ trợ nhiều mặt của cấp trên, nên việc thực hiện dự án “Tam nông” của xã thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng kể. Về thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, dạy nghề, giảm nghèo, UBND xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai các lớp dạy nghề cho nông dân, tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ để triển khai mô hình “3 tăng, 3 giảm”, mô hình nhân lúa giống, hướng dẫn cách sử dụng phân bón, nông dược với hàng trăm lượt người tham dự. Qua đó nông dân đã từng bước nâng cao được nhận thức về khoa học kỹ thuật, nâng cao được năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, tăng được thu nhập cho người nông dân. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số hộ dân phát triển. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ trung bình, hộ nghèo ngày cảng giảm. Hiện xã còn 72 hộ nghèo, giảm gần 200 hộ so với năm 2008. Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia. Về giáo dục, cấp trên đã đầu tư xây dựng mới hai trường học theo chuẩn quốc gia. Mục tiêu phát triển văn hoá được xã tổ chức thực hiện tốt qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xã đã được Ban Chỉ đạo tỉnh công nhận “Xã văn hoá”; 3/3 ấp của xã duy trì và giữ vững ấp văn hoá nhiều năm liền.
Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng xã “Tam nông”, ngoài sự quan tâm đầu tư của các ngành chức năng, Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong xã ra sức phấn đấu thực hiện. Cùng với kinh phí đầu tư của cấp trên, xã đã tập trung ngân sách, huy động sức dân nâng cấp sửa chữa gần 10km đường giao thông nông thôn, với kinh phí gần 700 triệu đồng. Lãnh đạo xã tích cực vận động xây tặng nhà đại đoàn kết. Đến nay xã đã cơ bản xoá nhà tạm trên địa bàn. Song song với việc thực hiện dự án “Tam nông” xã đã đăng ký xây dựng xã “Nông thôn mới”. Hiện nay, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới (theo Nghị quyết số 491/QĐ-TTg, ngày 16.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ), gồm các tiêu chí như: Tiêu chí về thuỷ lợi (trên địa bàn xã có 3 tuyến kênh thuỷ lợi đi qua, cả ba tuyến kênh này đều được bê tông hoá). Về điện đã có 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Tiêu chí về trường học, trên địa bàn xã có đủ trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó có 2 trường đã được lầu hoá theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Về bưu điện, xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến ấp. Về nhà ở dân cư đã có 92% nhà kiên cố và bán kiên cố, không còn nhà tạm dột nát. Xã cũng đạt các tiêu chí về hộ nghèo, cơ cấu lao động, về y tế, văn hoá và an ninh trật tự xã hội.
Tuy nhiên để đạt được tiêu chuẩn xã nông thôn mới trong thời gian tới xã Phước Trạch còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Trước mắt xã phải giữ vững danh hiệu “Xã văn hoá”, tiếp tục thực hiện dự án “Tam nông” đến năm 2013 theo như kế hoạch và nhất là phải ra sức phấn đấu thực hiện cho được 9 tiêu chí còn lại theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (9 tiêu chí còn lại của xã Phước Trạch: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; giao thông; cơ sở vật chất văn hoá; chợ nông thôn; thu nhập bình quân đầu người; hình thức tổ chức sản xuất; môi trường; hệ thống chính trị xã hội vững mạnh).
Ngọc Hân
Xã An Hoà:
Thuận lợi của xã văn hoá đầu tiên trong tỉnh
Xã An Hoà (Trảng Bàng) thuộc dạng “đất hẹp người đông”. Diện tích tự nhiên của xã chỉ có hơn 3.000 ha, dân số của xã trên 21.000 người. Mặc dù vậy, những năm gần đây ai có dịp đến xã An Hoà (Trảng Bàng) đều nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng của xã này. Đời sống của đại bộ phận nhân dân ở đây không ngừng phát triển. Nhà mới ở đây liên tiếp mọc lên. Có những xóm nghèo ven sông rạch trước đây gần như chỉ là mái tranh vách lá, hiếm hoi lắm mới có được một căn nhà ngói. Giờ đây, nhà dân các xóm nghèo này gần như đã được tường hoá. Hệ thống giao thông nông thôn của xã đã được hoàn chỉnh, một số con đường đã được nhựa hoá từ nhiều năm qua. Xã đã được công nhận “Xã Văn hoá” từ đầu năm 2009. Đây là xã được công nhận “Xã Văn hoá” đầu tiên của tỉnh. Xã có nhiều lợi thế để phấn đấu trở thành xã “Nông thôn mới”.
Ông Nguyễn Công Hường, Chủ tịch UBND xã An Hoà cho biết, đối chiếu với 19 tiêu chí xã “Nông thôn mới” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay xã An Hoà đã đạt được trên 50% số tiêu chí, cụ thể như sau:
Rạch Trảng Bàng đi ngang qua địa phận xã An Hoà vừa là hệ thống giao thông thuỷ quan trọng, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh tươi |
Trước hết, về tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh, sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, cơ cấu đội ngũ cán bộ xã đã được trẻ hoá và đảm bảo đủ tiêu chuẩn, nhất là cán bộ chủ chốt. Nhiều năm liền Đảng bộ và chính quyền xã đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Về hệ thống giao thông, An Hoà là xã đi đầu của tỉnh về xã hội hoá giao thông nông thôn. Hiện nay hệ thống giao thông trong xã rất thuận tiện. Ngoài tỉnh lộ 787 đi ngang qua xã đã được nhựa hoá từ lâu và đang được nâng cấp mở rộng. Đường liên xã An Hoà-Gia Bình (nối từ tỉnh lộ 787 đến đường Xuyên Á) đường liên ấp An Hội đi qua nhà thờ Tha La cũng được nhựa hoá. Trong năm 2010, giáo xứ Tha La còn đóng góp nâng cấp đường ấp An Hội 2. Xã đã có kế hoạch nhựa hoá đường liên ấp An Quới-An Phú (nối từ tỉnh lộ 787 đến địa phận thị trấn Trảng Bàng), với kinh phí dự kiến 7 tỷ đồng. Những năm gần đây nghề thủ công truyền thống mây tre xuất khẩu trên địa bàn xã phát triển rất mạnh, đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Ngoài ra, có nhiều lao động trong xã đến các khu cụm công nghiệp lân cận nhất là Khu Công nghiệp Trảng Bàng làm việc, nên có thu nhập ổn định. Đặc biệt gần đây, trên địa bàn xã đã hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động Khu Công nghiệp-dịch vụ Bourbon -An Hoà, sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong xã. Cùng với sự phát triển khu công nghiệp, sẽ phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ bên ngoài khu công nghiệp, đem lại thu nhập cho người dân An Hoà, hộ nghèo nhất định sẽ được kéo giảm. Về văn hoá, xã hội, trường THCS của xã đã được lầu hoá, đồng thời Trường tiểu học An Hội cũng được đầu tư xây dựng theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Xã đã có chợ và đã đăng ký xây dựng chợ văn minh. Trạm y tế xã đã được nâng cấp và có bác sĩ phục vụ lâu dài. Toàn xã có 6/7 ấp được công nhận đạt chuẩn ấp văn hoá. Về an ninh trật tự những năm qua xã luôn giữ vững ổn định…
Với những tiền đề trên, xã An Hoà có nhiều điều kiện thuận lợi để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn xã “Nông thôn mới” vào năm 2015. Tuy nhiên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Hoà cũng còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Bởi xã còn một số tiêu chí chưa đạt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Duy Huân
Xã Tân Hưng:
Rất nhiều khó khăn phía trước
Xã Tân Hưng nằm về phía Nam huyện Tân Châu, có diện tích tự nhiên là 5.924 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 4.800 ha, được phân chia thành 6 ấp. Toàn xã Tân Hưng có hơn 3.400 hộ dân cư ngụ với hơn 14.000 nhân khẩu. Đặc biệt, trên địa bàn xã Tân Hưng có nhà máy đường của Công ty CP Bourbon Tây Ninh hoạt động với công suất 8.000 tấn mía cây/ngày. Đây là nhà máy đường có công suất lớn nhất nước, đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía, đổi mới bộ mặt nông thôn ở Tây Ninh nói chung và địa bàn xã Tân Hưng nói riêng. Bên cạnh đó, xã Tân Hưng còn có một số nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, chế biến gỗ, xay xát…
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất ở Tân Hưng vẫn là sản xuất nông nghiệp. Do phía Đông giáp hồ Dầu Tiếng và có hệ thống thuỷ lợi Tân Hưng đi qua nên lĩnh vực nông nghiệp ở xã Tân Hưng trong những năm qua phát triển khá mạnh. Các cây thế mạnh như mía, mì, cao su, mãng cầu ngày càng phát triển thêm diện tích và năng suất ngày càng được nâng cao. Riêng cây mãng cầu trong những năm gần đây phát triển rất mạnh, đến nay diện tích đã lên đến gần 1.000 ha và lợi nhuận từ cây mãng cầu đã nâng cao đời sống nhiều hộ dân trong xã.
Vẫn còn nhiều đoạn kênh ở xã Tân Hưng chưa bê tông hoá |
Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy, dù trong những năm qua xã Tân Hưng được đầu tư phát triển nhưng vẫn có rất nhiều tiêu chí chưa thể đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia. Cụ thể như về hạ tầng giao thông, toàn xã hiện có 60 tuyến đường các loại với tổng chiều dài là 134 km, nhưng trong đó chỉ mới có 20,5 km được “cứng hoá”, không bị lầy lội trong mùa mưa. Riêng 20 tuyến đường giao thông nội đồng có tổng chiều dài hơn 30 km thì hoàn toàn chưa được “cứng hoá”. Với thực trạng như vậy, để đạt được tiêu chí “đường liên xã được nhựa hoá, đường liên ấp được cứng hoá 100%” quả là không đơn giản. Về thuỷ lợi, hiện trên địa bàn xã Tân Hưng đang có 15 tuyến kênh tiêu giúp cho hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp thâm canh tăng vụ vì được tháo úng trong mùa mưa, nhưng trong đó chỉ mới bê tông hoá được hơn 2 km và xây dựng 3 chiếc cầu bắc qua kênh cho dân đi lại, vận chuyển hàng nông sản. Với thực trạng như vậy, để đạt được tiêu chí “có 85% số kênh mương được bê tông hoá” thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Về chợ, toàn xã Tân Hưng hiện có 2 điểm chợ- 1 ở trung tâm xã, cặp tỉnh lộ 785 có hơn 100 hộ kinh doanh và 1 ở ấp Tân Trung B đang có 40 hộ kinh doanh, nhưng nhìn chung cả 2 điểm chợ đều chưa đạt chuẩn “có diện tích trên 2.000m2” theo Bộ tiêu chí. Về nhà ở dân cư thì thực trạng ở xã Tân Hưng cũng còn rất “khiêm tốn”, cách xa tiêu chí “đạt tỷ lệ 90% hộ có nhà đạt chuẩn và không có nhà dột nát”, bởi lẽ ở xã Tân Hưng còn đến hơn 550 hộ ở nhà tạm, nhà dột nát và hơn 2.500 hộ đang ở nhà bán kiên cố… Riêng về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá, thể thao trên địa bàn xã Tân Hưng tuy đã có 10 cụm truyền thanh, 1 sân bóng đá, 7 sân bóng chuyền, 1 sân cầu lông… nhưng hầu hết đều chưa đạt chuẩn. Và điều đáng quan tâm đặc biệt là về tiêu chí thu nhập bình quân đầu người. Theo tiêu chí nông thôn mới thì xã phải có thu nhập bình quân đầu người đạt gấp 1,5 lần mức bình quân cả tỉnh. Trong năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở xã Tân Hưng là 18 triệu- tương đương chưa đến 1.000 USD, thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân đầu người toàn tỉnh. Với thực trạng như vậy, muốn có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,5 mức bình quân cả tỉnh thì quả là điều hết sức khó khăn.
Theo đánh giá của huyện Tân Châu, xã Tân Hưng mới có 6 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia, còn 13 tiêu chí chưa đạt (tức là mới đạt khoảng 30% tiêu chí). Cho nên muốn xây dựng thành công nông thôn mới, xã Tân Hưng phải tập trung mọi nguồn lực hoàn thành từng chỉ tiêu, trong khi phía trước còn rất nhiều khó khăn.
SƠN TRẦN