Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đe doạ phát tán hình ảnh nhạy cảm: Cái giá đắt phải trả cho hành vi làm nhục người khác
Thứ bảy: 08:31 ngày 07/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít trường hợp đối tượng sử dụng hình ảnh, video nhạy cảm của người khác phát tán trên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc thu lợi bất chính. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án.

Một buổi giáo dục kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn cho các em học sinh.

Khoảng tháng 5.2020, thông qua mạng xã hội Facebook, Phan Trung Nguyên (sinh năm 2001, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) quen biết với em N.Y (sinh năm 2008, ngụ thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu) nên thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại tâm sự, rồi nảy sinh tình cảm và thường xuyên đi chơi với nhau. Trong thời gian từ tháng 3 - 6.2021, Nguyên đã thực hiện hành vi giao cấu đối với em N.Y 6 lần.

Ngoài ra, khoảng tháng 7.2021, Nguyên 2 lần yêu cầu em N.Y gọi video khoả thân cho Nguyên xem, nhưng em N.Y không đồng ý nên Nguyên doạ sẽ đăng ảnh nhạy cảm của em N.Y lên Facebook. Khi em N.Y đồng ý gọi điện theo yêu cầu thì Nguyên dùng ứng dụng trong điện thoại lưu lại video khoả thân.

Ngày 12.8.2021, do cãi nhau với em N.Y, Nguyên đã gửi những video có nội dung nhạy cảm của em N.Y cho một số tài khoản Facebook (không rõ thông tin cá nhân) nhằm thoả mãn tức giận và làm nhục em N.Y. Tại Cơ quan điều tra Công an huyện Gò Dầu, Nguyên đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu trên.

Tại phiên toà phúc thẩm, ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho em N.Y thống nhất với tội danh mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên bố đối với bị cáo Phan Trung Nguyên về các tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm và làm nhục người khác. 

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên xử bị cáo với mức hình phạt quá nhẹ, trong khi bị cáo là người trưởng thành, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bị hại để xâm hại tình dục bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. 

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt với 3 tội mà bị cáo vi phạm. Qua xét xử, TAND tỉnh không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt cho bị cáo của bị hại (theo đó, tổng hợp hình phạt chung buộc bị cáo Nguyên phải chấp hành là 8 năm 6 tháng tù).

Hay mới đây, ngày 6.12.2022, chị A (ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) đến Công an xã Hiệp Thạnh tố cáo Mai Văn Nhớ (19 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) dùng đoạn clip quay cảnh quan hệ tình dục giữa chị và Nhớ để ép buộc chị phải nhiều lần đưa tiền. Sau đó, Công an xã Hiệp Thạnh chuyển vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gò Dầu điều tra theo thẩm quyền. 

Qua điều tra xác định, vào năm 2020, đối tượng Nhớ và chị A làm công nhân chung công ty. Đến năm 2021, hai người phát sinh tình cảm và quan hệ tình dục với nhau, mỗi lần quan hệ Nhớ đã dùng điện thoại di động quay lại. Sau 2 tháng chị A chia tay Nhớ. 

Sau khi chia tay, Nhớ nhắn tin cho chị A yêu cầu đưa tiền và tiếp tục cho Nhớ quan hệ, nếu không đồng ý, hắn sẽ đăng đoạn clip nhạy cảm của 2 người lên mạng xã hội. Trước sự đe doạ của Nhớ, chị A đã thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Tổng cộng chị A đã đưa cho Nhớ 17 lần với số tiền 27 triệu đồng.

Đến ngày 5.12.2022, Nhớ tiếp tục nhắn tin yêu cầu chị A chuyển khoản 3,5 triệu đồng thì Nhớ sẽ xoá đoạn clip, lúc này chị A không thể vay mượn thêm được tiền để đưa cho Nhớ nên đã kể sự việc này cho gia đình biết. 

Với sự giúp đỡ từ người thân, chị A đồng ý không chuyển khoản cho Nhớ mà yêu cầu Nhớ đến nhà chị A nhận tiền mặt. Khi Nhớ đến, gia đình chị A bắt giữ và đưa y đến cơ quan Công an tố cáo. Căn cứ kết quả điều tra, Công an huyện Gò Dầu ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với Mai Văn Nhớ về tội cưỡng đoạt tài sản.

Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết, không thể phủ nhận vai trò của internet đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp mọi người có cơ hội học tập, giải trí và tương tác. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt là đối với trẻ em, thanh thiếu niên. 

Thông qua môi trường mạng, mọi người có thể tiếp cận với thông tin giả, lộ thông tin cá nhân; thậm chí bị các đối tượng xấu bắt nạt, gạ gẫm, dụ dỗ quay, chụp hình ảnh nhạy cảm. Khi có được những hình ảnh, video nhạy cảm, các đối tượng dùng để đe dọa, yêu cầu như: bắt ép quan hệ tình dục, đưa tiền… Nếu không đồng ý theo yêu cầu, các đối tượng sẽ phát tán ảnh “nóng” lên mạng xã hội với mục đích làm nhục, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây dư luận xấu.

“Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh và được pháp luật bảo vệ tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Trong mọi trường hợp việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 

Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự”- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh chia sẻ.

Mọi người sử dụng mạng xã hội không nên đăng tải hình ảnh, video nhạy cảm để tránh vi phạm pháp luật.

Theo một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín của các nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, tình hình tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác dang có chiều hướng gia tăng. Tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ quy định cá nhân cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe doạ, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính, buộc xóa bỏ các thông tin số đối với hành vi vi phạm.

Nếu hành vi của người này xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, việc tung những hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ.

Trong trường hợp, nếu xác định mục đích của đối tượng là đe doạ đòi tiền thì người đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. 

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho rằng, với việc xã hội ngày càng phát triển, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận dễ dàng với các thiết bị điện tử, mạng xã hội. Do đó, mỗi người cần có trách nhiệm, ý thức hơn trong tiếp cận, sử dụng, kết nối, tham gia vào các trang mạng xã hội nhằm loại bỏ hành vi, tội phạm nguy hiểm này. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên quan tâm, quản lý việc kết bạn của con em mình qua mạng xã hội. 

Khi xảy ra trường hợp bị xâm hại, gia đình cần làm chỗ dựa vững chắc, an ủi, động viên, chia sẻ để các em cảm thấy yên tâm hơn, dần lấy lại trạng thái bình thường. Ngoài ra, các cấp, ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về kỹ năng sử dụng internet một cách hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc với hành vi này nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục