Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn 

Cập nhật ngày: 14/07/2022 - 11:26

Gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đã bắt đầu được các ngân hàng thương mại triển khai, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là thủ tục giải ngân thuận lợi để nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn, sớm vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Dư nợ cho vay khoảng 800.000 tỷ đồng

Liên quan đến việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ/CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (ban hành ngày 20-5-2022), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, các ngân hàng đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), đồng thời bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng).

Như vậy, với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất như trên, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm 2022. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Đức Ấn cho biết, khách hàng của Agribank chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng từ ngân sách mà toàn ngành ngân hàng đang triển khai, riêng Agribank đã được phê duyệt 5.000 tỷ đồng cho hai năm 2022 và 2023. Số dư nợ được hưởng ưu đãi lãi suất chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ hiện tại, do đó Agribank phải rà soát cẩn trọng, bảo đảm đúng đối tượng. Thực tế từ đầu năm 2022 đến nay, ngân hàng đã giải ngân gần 100.000 tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ 2% lãi suất.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng hỗ trợ lãi suất trong năm 2022-2023 chiếm khoảng 30% dư nợ của ngân hàng.

Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, tổng nguồn vốn mà OCB đăng ký với Ngân hàng Nhà nước trong kế hoạch hỗ trợ lần này là 400 tỷ đồng.

Thủ tục chặt chẽ

Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này. Theo đại diện Tập đoàn Du lịch Lux Group, để tiếp cận được gói hỗ trợ, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp.

Trên thực tế, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không có nhiều doanh nghiệp du lịch đáp ứng được điều kiện này. Vì vậy, nên chăng, ngân hàng cho phép doanh nghiệp dùng chính thương hiệu, cơ sở kinh doanh, doanh thu hiện tại, hoặc dùng những tài sản lưu động để chứng minh khả năng phục hồi chứ không nhất thiết phải bảo đảm bằng bất động sản, tài sản hữu hình.

Bà Lê Thị Thương, đại diện Công ty cổ phần Đào tạo và Du lịch Việt Nam cho rằng, chi phí vốn được giảm 2%/năm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư, khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhưng nếu theo quy định thì rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Bởi, không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... là những vấn đề doanh nghiệp cần được hỗ trợ.

Giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng nêu ý kiến, hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn được vay. Vì thế, điều kiện của gói hỗ trợ này cần đơn giản hơn so với tiêu chuẩn bình thường.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng thông tin, Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng cam kết, các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay, Ngân hàng Nhà nước tăng cường hậu kiểm, xử lý trường hợp gian lận... Có như vậy, các đối tượng mới được thụ hưởng chính sách nhanh chóng, kịp thời.

Đại diện một số ngân hàng thương mại khẳng định sẽ không phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào cho khách hàng. Tuy vậy, ngân hàng cũng phải bảo đảm chuẩn tín dụng, không để phát sinh nợ xấu, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ. Trong quá trình triển khai, ngân hàng sẽ tiếp thu kiến nghị để bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp tối đa.

Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Có nghĩa, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được tiếp cận nguồn vốn, để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng thông tin, đây là phương thức cho vay thông qua các ngân hàng thương mại nên các khoản cho vay phải đáp ứng điều kiện tín dụng, đối tượng được vay là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi.

Nguồn hanoimoi