Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tinh giản biên chế:
Để không còn chuyện ngược đời
Thứ sáu: 07:17 ngày 08/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chủ trương cải cách hành chính cũng như tổ chức lại bộ máy Nhà nước là công tác hết sức quan trọng, và đã được đề cập gần như liên tục trong nhiều năm qua trong cả nước, cũng như tại Tây Ninh. Thế nhưng, kết quả thu được còn rất hạn chế, thậm chí xảy ra nhiều chuyện “ngược đời”, nhất là trong lĩnh vực tinh giản biên chế.

Thí sinh dự thi tuyển dụng viên chức.

NHIỀU ĐỘNG THÁI TÍCH CỰC TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đánh giá về xây dựng chính quyền và cải cách hành chính năm 2017, UBND tỉnh cho biết, các cấp chính quyền đã tập trung chỉ đạo công tác bầu cử trưởng ấp, trưởng khu phố nhiệm kỳ 2017-2019 theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã thực hiện củng cố, kiện toàn thành viên UBND tỉnh bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu theo đúng quy định của Chính phủ. Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo tinh thần của Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cũng đã được hoàn thiện.

Đối với những hạn chế trong công tác cải cách hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khắc phục nhằm cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (năm 2016, Tây Ninh xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số cải cách hành chính). Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm hành chính công đã được thành lập.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác cải cách hành chính, năm 2017, toàn tỉnh đã có 427 cán bộ, công chức cấp xã, phường được bồi dưỡng về lĩnh vực này. Năm 2017, tỉnh đã triển khai xây dựng khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực, trong đó, tổ chức kỳ thi công chức, viên chức và nâng ngạch chuyên viên theo đúng quy chế. Đặc biệt, trong năm nay, tỉnh đã mời Đại học Fulbright khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng kinh tế của tỉnh.

Năm 2018, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tạo điều kiện tốt nhất đối với doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Đối với vấn đề bộ máy hành chính, năm 2018, Tây Ninh củng cố xây dựng chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với kỷ luật kỷ cương.

Về vấn đề tinh giản biên chế, năm 2018, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương về chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức bảo đảm theo lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021. Đồng thời, đổi mới hoạt động, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia cung ứng các loại dịch vụ công.

Với những thông tin nêu trên, có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng bộ máy chính quyền kiến tạo, phục vụ là một chủ trương xuyên suốt của Tây Ninh. Trong hai năm 2015-2016, Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư cũng như đơn giản hoá các thủ tục hành chính để giảm thiểu những phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2015 đến hết năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành 6 quyết định thông qua phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính của 6 sở, ngành tỉnh. Đơn cử, Tây Ninh đã rà soát, đơn giản hoá đối với nhóm thủ tục hành chính thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công. Thông qua việc rà soát, Tây Ninh đã kiến nghị sửa đổi một số nội dung về thành phần hồ sơ phải nộp. Theo tính toán, lợi ích của việc đơn giản hoá, rà soát, loại bỏ các loại hồ sơ, giấy tờ không thật cần thiết trong lĩnh vực này đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là 43%.

CẮT GIẢM CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ ?

Năm 2017, Tây Ninh được Trung ương giao 1.979 biên chế công chức, giảm 31 biên chế so với năm 2016. Theo con số mới nhất do UBND tỉnh công bố, đến cuối năm nay, Tây Ninh đã tinh giản được tới 86 biên chế. Trước khi được Trung ương giao chỉ tiêu biên chế, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, thành phố góp ý về dự kiến giao biên chế công chức năm 2017.

Kết quả, một số cơ quan, đơn vị đề nghị giữ nguyên hoặc thống nhất chỉ giảm 1 biên chế so với năm 2016. Các số liệu vừa nêu chưa bao gồm số biên chế thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá. Khối sự nghiệp công lập là nơi có lượng người hưởng lương từ ngân sách nhiều nhất- hàng chục ngàn người.

Thông tin vừa nêu trên cho thấy một điều, hầu như cơ quan, đơn vị nào cũng muốn giữ nguyên biên chế của mình, không những không muốn giảm chỉ tiêu mà thậm chí còn muốn tăng thêm. Điều này thực ra không có gì xa lạ. Trong những đợt giám sát, khảo sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của UBND các cấp cũng như khối hành chính sự nghiệp, khi nói về những khó khăn trong công tác, người đứng đầu thường “than vãn” chuyện thiếu người, lực lượng mỏng, công việc quá tải…

Những nguyên nhân được viện dẫn ra ở trên có thể đúng và cũng có thể không. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là số người hưởng lương và những khoản khác có tính chất lương không những không giảm mà còn tăng trong khi hiệu suất làm việc không cao.

So với nhiều địa phương, tình hình biên chế ở Tây Ninh, theo ý kiến của ngành chức năng là chưa nóng bỏng, căng thẳng. Điều này phản ánh đúng tình hình, vì số liệu giao chỉ tiêu biên chế qua các năm đều được công khai, giám sát. Đồng thời, con số biên chế dự phòng của Tây Ninh vẫn còn, tức chưa sử dụng hết số biên chế được giao.

Ví dụ, năm 2016, cấp tỉnh còn 100 và cấp huyện còn 94 biên chế chưa sử dụng hết, có nghĩa là, trong trường hợp cần người, vẫn có thể tuyển thêm mà không vượt quá tổng chỉ tiêu biên chế được giao. Đây chính là lời giải thích cho kết quả Tây Ninh đã tinh giản biên chế hơn gấp đôi chỉ tiêu được giao. Từ việc chưa sử dụng hết số biên chế dự phòng, có ý kiến đề xuất, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét cắt giảm tổng chỉ tiêu biên chế công chức được giao hằng năm.

Cắt giảm chỉ tiêu tổng biên chế công chức hằng năm, đồng thời không ký hợp đồng mới đối với lao động thử việc sẽ cùng lúc giải được hai bài toán về con người. Thứ nhất, giao chỉ tiêu biên chế sát thực thế, sát nhu cầu vị trí việc làm là một trong những cơ sở để giảm khoản chi lương từ ngân sách. Thứ hai, việc cắt giảm tổng chỉ tiêu biên chế sẽ cải thiện hiệu suất làm việc cũng như tăng mức thu nhập cho cán bộ, nhân viên trong từng cơ quan. Bởi vì một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, hiệu quả làm việc không cao chính là do số lượng người trong cơ quan, đơn vị nhiều hơn mức cần thiết.

Người nhiều, chức năng, nhiệm vụ được phân công thường trùng lặp dẫn đến lãng phí cả về con người lẫn tiền lương. Vin vào chuyện còn biên chế dự phòng, chưa sử dụng hết, không hiếm cơ quan, đơn vị đã ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc dạng hợp đồng thử việc một cách tuỳ tiện. Chính điều này đã tạo ra gánh nặng về quỹ tiền lương cho mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là những nơi đã được giao tự chủ tài chính, tức khoán kinh phí. Trong nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay (khối Đảng, Nhà nước và cả đơn vị sự nghiệp) có tình trạng một bộ phận gồm lãnh đạo và nhân viên đều nhàn rỗi, vì không có việc gì để làm hoặc không chịu làm (nhưng cuối năm ít nhất đều hoàn thành nhiệm vụ). Không phải tự dưng, lúc còn giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cảm thán “30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi tối cắp về”.

KHÔNG XEM BIÊN CHẾ NHƯ MỘT LOẠI TÀI NGUYÊN

Cuối tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành hai nghị quyết liên quan đến hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước và vấn đề biên chế. Cách nay vài ngày, cả hai nghị quyết của Trung ương Đảng đã được phổ biến rộng rãi cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó có cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành.

Thông tin do ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương công bố nêu ra khiến nhiều người “ớn lạnh” (chữ dùng của vị đứng đầu chính quyền một thành phố trực thuộc Trung ương). Ngày 17.4.2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo tinh thần của nghị quyết này, mỗi năm, cả nước phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người.

Tuy nhiên, kết quả thống kê mới đây khiến nhiều người “ngã ngửa”: sau hai năm kể từ khi Nghị quyết 39 “đi vào cuộc sống”, tổng số biên chế không những không giảm mà ngược lại, tăng thêm 96.000 người. Cần biết, trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39, ngày 20.11.2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về tinh giản biên chế. Nói như vậy để thấy, chủ trương tinh giản biên chế đã được các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ chỉ đạo quyết liệt với những con số được lượng hoá cụ thể.

Thế nhưng, bất chấp những văn bản có tính pháp lý cao nhất, số lượng “người Nhà nước” năm sau vẫn cứ đông hơn năm trước. Đó rõ ràng là một nghịch lý không thể chấp nhận. Điều đáng nói là, tổng số biên chế tăng một cách “ngược đời” như vậy nhưng cho đến nay, chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm, cũng chưa một vị nào bị kỷ luật. Có người đã ví von, nếu xem ngân sách Nhà nước như bầu sữa bao cấp thì cơ quan, đơn vị hành chính và sự nghiệp giống như “nhà trẻ” để những người có chức vụ, quyền hạn gửi con em mình vào.

Có trường hợp, người đứng đầu cơ quan không muốn tuyển vì chưa có nhu cầu, nhưng “trên gửi” cũng khó từ chối. Nhưng cũng không thể phủ nhận tình trạng thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem tổng chỉ tiêu biên chế được giao như một loại tài nguyên để khai thác. Nếu biên chế được giao chưa sử dụng hết thì ký hợp đồng lao động, trường hợp đã sử dụng hết biên chế thì “linh hoạt, uyển chuyển” tuyển thêm. Với những thông tin như vừa dẫn, chỉ tiêu giảm 240.000 biên chế (10%) từ nay đến năm 2021 là một thách thức không nhỏ.

Cải cách hành chính, trong đó có vấn đề tinh giản biên chế là một bài toán vô cùng khó, bởi vì điều này động chạm đến từng thân phận con người trong tổng số 2,4 triệu công chức, viên chức đang hưởng lương và những khoản có tính chất lương mà thật ra cũng là lương. Bài toán chỉ có thể được giải quyết khi có một giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngoài chuyện cắt giảm chỉ tiêu biên chế và cấm tuyển dụng lao động một cách tuỳ tiện, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước là điều cần tính đến trước tiên. Theo quy định, hệ thống chính quyền hiện có bốn cấp là xã, huyện, tỉnh và trung ương. Tuy nhiên, vẫn còn một cấp “hành chính” khác, đó là thôn, bản, ấp, khu phố... Thực tế cho thấy, bộ máy của đơn vị “hành chính” này hiện nay không khác gì chính quyền của xã, phường thu nhỏ.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh