Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuẩn bị triển khai sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6:
Để không lặp lại những sai sót đáng tiếc
Thứ tư: 23:02 ngày 03/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể tránh lặp lại những sai sót như trong sách giáo khoa lớp 1, nhiều ý kiến trong ngành cho rằng cần sớm có sách giáo khoa (bản in giấy, không phải dạng file pdf) để giáo viên đọc tham khảo. Nếu phát hiện sách có sai sót thì góp ý để nhà xuất bản sửa chữa, bổ sung kịp thời, tránh những sự cố không đáng có.

Ngày 9.2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là Chương trình 2018). Theo quyết định trên, danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Ðối với lớp 2, các môn Tiếng Việt, Toán, Ðạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 sách giáo khoa được phê duyệt. Môn tự chọn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa.

Ðối với lớp 6, các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 sách giáo khoa; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt.

Các sách giáo khoa có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ÐT phê duyệt thuộc 4 nhà xuất bản, gồm: Giáo dục Việt Nam, Ðại học Sư phạm Hà Nội; Ðại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Ðại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Từ tháng 6 đến tháng 12.2020, Bộ GD&ÐT tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 của 5 nhà xuất bản (ngoài 4 đơn vị xuất bản kể trên, có thêm Ðại học Vinh).

Công tác thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Thông tư 33/2017/TT-BGDÐT và Thông tư 23/2020/TT-BGDÐT. Bộ GD&ÐT thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa với thành viên gồm đủ các thành phần: nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục và giáo viên có kinh nghiệm, uy tín, trong đó có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Thành viên Hội đồng quốc gia có 15 ngày nghiên cứu độc lập bản mẫu sách giáo khoa trước khi làm việc tập trung để thảo luận, nghe tác giả báo cáo, thuyết minh về bản mẫu và công bố kết quả đánh giá của Hội đồng cho tác giả, nhà xuất bản để tiếp thu, chỉnh sửa.

Thực hiện quy định tại Thông tư 33 và chỉ đạo của Bộ GD&ÐT, các Hội đồng thẩm định đã đề nghị Bộ tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý bản mẫu sách giáo khoa của đại diện giáo viên có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy lớp 2, lớp 6 tại các cơ sở giáo dục trên cả nước cùng chuyên gia, giảng viên trường đại học...

Các ý kiến góp ý được Bộ chỉ đạo rà soát và cung cấp để Hội đồng thẩm định nghiên cứu, đồng thời thảo luận với tác giả, nhà xuất bản về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa. Nhà xuất bản hoàn thiện lại bản mẫu sau tiếp thu ý kiến để Hội đồng đánh giá, thông qua kết quả cuối cùng bằng văn bản.

“Nhiều sách giáo khoa có quan điểm biên soạn hiện đại, cấu trúc sách mới, tiếp cận với cách biên soạn sách giáo khoa của các nước tiên tiến trên thế giới và bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh cấp tiểu học và THCS Việt Nam. Sách bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, và tạo điều kiện để học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống”- Bộ GD&ÐT nhìn nhận.

Theo quy định, quyết định ban hành sách giáo khoa phải được công bố tối thiểu 5 tháng trước khi năm học mới khai giảng. Vì vậy, trước ngày 31.7.2021, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sẽ về đến các địa phương.

Về mặt pháp lý, sau khi Bộ GD&ÐT công bố phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, theo quy định của Thông tư 25/2020/TT-BGDÐT, UBND các tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn sách giáo khoa. Ðể bảo đảm tiến độ và chất lượng nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương,

Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp bản pdf các sách giáo khoa đã được Bộ trưởng phê duyệt trên website của nhà xuất bản và cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu tập huấn sử dụng SGK qua mạng.

Nhà xuất bản phối hợp với Sở GD&ÐT các tỉnh, thành phố tổ chức giới thiệu sách giáo khoa bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức trên tại các đơn vị cấp tỉnh; thời gian hoàn thành trước ngày 10.3.2021.

Việc bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 phải hoàn thành trước ngày 31.7 năm nay và bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều được tập huấn theo các lớp học tương ứng với môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ sách giáo khoa tại địa bàn tỉnh, thành phố.

Theo quy định tại Thông tư 25, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Việc in ấn và phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng và chất lượng phải được nhà xuất bản hoàn thành trước 31.7 đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng sách giáo khoa tại các địa phương cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên để triển khai thực hiện năm học mới.

Theo Luật Giáo dục năm 2019, kể từ năm học 2021-2022, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa nào trong số những bộ sách đã được xuất bản để triển khai dạy trên địa bàn.

Tại Tây Ninh, chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, cách nay vài ngày, một đợt tập huấn trực tuyến đã được tổ chức cho giáo viên phổ thông. Giáo viên của tất cả các trường phổ thông (không kể cấp THPT) đã được đại diện Nhà xuất bản giáo dục giới thiệu khái quát về chương trình, nội dung sách giáo khoa mới.

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên thông tin, buổi tập huấn chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu sách giáo khoa. Do điều kiện tập huấn trực tuyến nên việc giới thiệu chỉ diễn ra một chiều, nghĩa là, đại diện nhà xuất bản chỉ mới quảng bá sản phẩm của mình.

Giáo viên, cán bộ quản lý chưa có điều kiện “thắc mắc, chất vấn” hoặc tìm hiểu thêm về những cuốn sách, bộ sách đã được Bộ GD&ÐT phê duyệt, mặc dù bản pdf của sách đã được đưa lên hệ thống để giáo viên đọc tham khảo. Hiện nay, sách giáo khoa cũng chưa có trên thị trường.

Năm học 2020-2021, sau khi đưa vào áp dụng một thời gian, các bộ sách, trong đó có bộ Cánh diều đã bị dư luận phản ứng dữ dội, dù không phải ý kiến nào cũng đúng. Hồi tháng 1 vừa qua, Báo Tây Ninh đã đăng loạt bài về câu chuyện sách giáo khoa lớp 1. Một cách khái quát, sai sót trong các bộ sách giáo khoa lớp 1 là có thật nhưng không đến mức như dư luận bàn tán.

Ðể tránh lặp lại những sai sót như trong sách giáo khoa lớp 1, nhiều ý kiến trong ngành cho rằng cần sớm có sách giáo khoa (bản in giấy, không phải dạng file pdf) để giáo viên đọc tham khảo. Nếu phát hiện sách có sai sót thì góp ý để nhà xuất bản sửa chữa, bổ sung kịp thời, tránh những sự cố không đáng có.

Một thông tin đáng chú ý, trong đợt tập huấn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, chỉ có hai bộ sách được giới thiệu, gồm Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, đều của Nhà xuất bản Giáo dục. Nhà xuất bản này còn hai bộ sách khác, gồm Cùng học để phát triển năng lực, và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục nhưng không hiểu vì sao không thấy giới thiệu.

Trong quyết định ban hành danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cũng không thấy tên gọi của hai bộ sách này. Sau khi hai bộ sách (trong tổng số 4 bộ) của Nhà xuất bản Giáo dục đột nhiên “biến mất”, dư luận trong ngành đang có những đồn đoán, nhận định khác nhau.

Có thông tin nói rằng, hai bộ sách “không xuất hiện” đã được “sáp nhập” vào hai bộ sách được chọn. Ðiều này khó thuyết phục, vì không thể có chuyện sáp nhập hai bộ sách này vào hai bộ sách khác. Một luồng thông tin khác nêu giả  thuyết, hai bộ sách bị loại bỏ vì thị phần nhỏ, nói cách khác, hai bộ sách này ít trường dùng, sau khi triển khai ở lớp 1, do hiệu quả kinh tế thấp.

Bộ sách Cánh diều (Nhà xuất bản Ðại học Sư phạm) cũng “vắng bóng” trong đợt tập huấn, giới thiệu sách vừa qua. Trên trang cá nhân, ông Ðỗ Ngọc Thống, chủ biên bộ sách Cánh diều cho biết, tháng 3.2021, bộ sách này có mặt trên thị trường.

Việt Ðông

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục