Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm, tự trang bị những kiến thức cơ bản khi có cháy nổ xảy ra.
Công an tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy với tình huống phức tạp, quy mô lớn, có nhiều lực lượng và phương tiện tham gia.
Hoả hoạn, cháy nổ trong đời sống hằng ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm, tự trang bị những kiến thức cơ bản khi có cháy nổ xảy ra.
Đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia PCCC
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước và trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có nhiều vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. 8 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38%), làm 83 người chết (tăng 48%).
Còn trên địa bàn tỉnh, 9 tháng đầu năm 2023, Tây Ninh xảy ra 6 vụ cháy làm chết 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5,1 tỷ đồng, chủ yếu cháy ở loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh (chiếm 60%). Trong đó có 1 vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Gò Dầu, làm 1 người chết vào rạng sáng 7.8.2023, nguyên nhân ban đầu xác định do sự cố hệ thống điện.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Trọng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, để giảm thiểu số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đơn vị đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả cao.
Trong đó, tập trung vào việc xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; xây dựng các đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân PCCC. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 778 Tổ liên gia an toàn PCCC, 40 điểm chữa cháy công cộng và 408 đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tích cực phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp PCCC trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao ý thức về phòng chống cháy nổ cho người dân trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để người dân tiếp cận một cách hiệu quả.
Đơn vị tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH toàn tỉnh tổ chức tập huấn cho chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh và người dân tại khu dân cư, bảo đảm đến cuối năm 2023, 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất 1 người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH; hướng dẫn, vận động 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ.
Ngoài công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tăng cường kiểm tra an toàn PCCC theo chế độ định kỳ, đột xuất và kiểm tra chuyên đề, trong đó tập trung kiểm tra các địa bàn và cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, dễ phát sinh cháy nổ lớn như: chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu, các cơ sở sản xuất may mặc, kho hàng hoá chất, cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất…
Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về PCCC, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm có nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đồng thời tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng.
Tuyên truyền PCCC cho tiểu thương.
Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở; định kỳ tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH, bố trí diễn tập sát với thực tế và đặc điểm tình hình cơ sở; huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Tổ chức ứng trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra. Rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các phương án chữa cháy và CNCH đặc biệt tại những đơn vị điểm, khu vực nếu xảy ra cháy nổ có khả năng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, lựa chọn một số phương án phù hợp để thực tập.
Nỗ lực bảo đảm an toàn cho nhân dân
Tại khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhà cao tầng… về cơ bản đã xây dựng các phương án chữa cháy theo quy định, có lực lượng chữa cháy tại chỗ, bảo đảm các yêu cầu cơ bản về PCCC… nhưng công tác PCCC tại các khu vực này còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư hay ở mặt phố vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi chứa hàng hoá với khối lượng lớn, chủ yếu là các chất dễ bắt cháy nhưng không có lối thoát nạn thứ 2 hoặc bố trí hàng hoá cản trở lối thoát nạn; nhiều chợ truyền thống xây dựng cách đây hàng chục năm, các hạng mục đã xuống cấp, không còn phù hợp với tiêu chuẩn PCCC hiện hành nhưng vẫn hoạt động.
Một số công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động trước khi có các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, điều kiện về an toàn PCCC như: lối thoát nạn, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy chưa bảo đảm. Ngoài ra, một số người đứng đầu cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, kiến nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính về PCCC. Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn 130 cơ sở vi phạm quy định về PCCC.
Hướng dẫn học sinh sử dụng bình chữa cháy đúng cách.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh vận động, khuyến khích người dân, cơ quan, doanh nghiệp tham gia phong trào Toàn dân tham gia PCCC; mỗi gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, có ít nhất 1 người được trang bị kiến thức về PCCC…
Đa số người dân, cơ quan doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, tạo sự lan toả trong cộng đồng; tuy nhiên vẫn có số ít người dân, cơ quan, tổ chức tham gia chưa nhiệt tình, chưa nhận thức rõ vai trò của công tác PCCC đối với sự an toàn của bản thân, gia đình và cơ sở, tham gia với tinh thần đối phó nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, sở, ban, ngành huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để công tác PCCC đạt hiệu quả tốt, hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, người lao động và nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ gây ra cháy nổ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra an toàn, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng công tác PCCC và CNCH cho người dân, lực lượng PCCC cơ sở.
PCCC là trách nhiệm chung của mọi người, mọi nhà; mỗi tập thể, cá nhân cần xây dựng ý thức PCCC trở thành nguyên tắc sống, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tất cả vì một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Ngày 4.10.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta, thể hiện tầm quan trọng của công tác PCCC.
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật PCCC. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 4.10.2001, trong đó quy định rõ: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng quy định lấy ngày 4.10 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.
Phương Thảo