Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Để ngành chăn nuôi gia cầm vươn xa
Thứ năm: 23:39 ngày 10/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các giải pháp cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển như: doanh nghiệp phải thực hiện các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm.

Quy trình sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources.

Thông tin thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đã cho phép nhập khẩu trứng gia cầm có nguồn gốc một số tỉnh, thành ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Tây Ninh là một tín hiệu phấn khởi để ngành chăn nuôi gia cầm trong tỉnh phát triển, góp phần tăng giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, cần có kế hoạch căn cơ để ngành chăn nuôi gia cầm trong tỉnh có đủ tiềm lực vươn xa.

Chăn nuôi quy mô trang trại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tây Ninh có tổng đàn gia cầm khoảng 9,1 triệu con với sản lượng 49.000 tấn thịt, trong đó có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con (chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng đàn gia cầm). Riêng gà đẻ trứng thương phẩm có 7 trang trại với 2,8 triệu con, sản lượng hơn 2,1 triệu quả trứng gà/ngày.

Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư chăn nuôi đạt kết quả tích cực, đặc biệt là số dự án được đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tăng nhanh cả về số lượng, quy mô, ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2016 đến nay có 150 dự án xin chủ trương đầu tư và đã có 112 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, trong đó có 34 dự án chăn nuôi với 9,5 triệu con gà. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tân Biên có 2 dự án sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm, sản lượng trứng bình quân khoảng 1.800.000 trứng/ngày (2 trại).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và 48 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, tỉnh đang tiếp tục xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Gò Dầu.

Đẩy mạnh phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành gia cầm phát triển ổn định và trứng thương phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì cần thực hiện các công việc sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung ứng dụng công nghệ cao về chuồng trại, về con giống, phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, an toàn sinh học, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra lượng sản phẩm hàng hoá tốt, đủ lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Thứ hai, tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia cầm nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đây là vấn đề sống còn bởi vì để xảy ra các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh gây thiệt hại cho bản thân mình.

Thứ ba, phát triển các mô hình chuỗi giá trị khép kín gắn với truy xuất nguồn gốc, đặc biệt phát triển mô hình chuỗi giá trị khép kín vì đây là mô hình có thể kiểm soát tốt nhất an toàn thực phẩm, chất lượng đầu vào và đầu ra. Đồng thời, cần tăng cường hiệu quả và kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi liên kết với nhiều tác nhân tham gia (trang trại, cơ sở giết mổ, cửa hàng phân phối). Tăng hiệu quả quản lý nhà nước về chuỗi.

 Thứ tư, phát triển chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi.

Thứ năm, tập trung xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhân rộng ra để tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Thú y Việt Nam và của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Đối với việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm, trước mắt cần phát triển các sản phẩm chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm cao như: trứng muối, thịt gà, thịt vịt đã qua chế biến nhiệt. Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm. Tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines…

Dư địa phát triển ngành chăn nuôi gia cầm còn tốt và cần phải tập trung thúc đẩy. Nhưng để bảo đảm hiệu quả bền vững cần phải chú trọng tất cả các khâu trong chuỗi liên kết từ con giống, quy trình, tổ chức sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, và tổ chức thị trường…

Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt chuỗi liên kết

Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, trong thời gian tới, các giải pháp cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển như: doanh nghiệp phải thực hiện các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm. Quản lý được con giống, chất lượng tốt cho từng phân khúc.

Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt bảo đảm an toàn về thú y; cơ sở, trang trại và vùng chăn nuôi phải được công nhận và thực sự là an toàn dịch bệnh thì mới có thể nghĩ đến việc xuất khẩu. Một giải pháp nữa là tổ chức tốt khâu chế biến.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã cùng với bà con nông dân các địa phương trên cả nước đã xây dựng được nhiều nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, so với tổng sản lượng thịt, tổng sản lượng trứng gia cầm so với yêu cầu, so với tổ chức thị trường theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, so với xuất khẩu thì số nhà máy chế biến đó là chưa đủ. Tại tỉnh, hiện chỉ có nhà máy của Công ty TNHH MTV Thanh Bảo Hân sơ chế, chế biến sản phẩm gia cầm nhưng công suất còn rất khiêm tốn (6.000 con/ngày).

Song song đó, các nhà quản lý, doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa về 2 thị trường (trong nước và xuất khẩu). Ngoài việc coi trọng thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân thì việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm ra các nước là xu thế tất yếu.

Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus đã xuất khẩu được sản phẩm gia cầm. Đây là hai trong số những tập đoàn đang tập trung phát triển liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh với các dự án từ cung cấp con giống (nhà máy Bell Gà - Khu công nghiệp An Hoà - Trảng Bàng) đến đầu tư các khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gà đẻ trứng giống (280.000 con) và trang trại nuôi 5 triệu gà thịt, đầu tư tổ hợp nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm DHN. Đây là hướng đi mà tỉnh ta đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục