Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đưa 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2018.
Đột phá trong sản xuất, bảo vệ môi trường
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, khoảng 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, tăng 712 xã so với cuối năm 2016.
Năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 3.530 xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: IT
Đánh giá về kết quả này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp. Nhiều tỉnh, thành phố đã vận dụng sáng tạo, chủ động ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Điển hình như Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã có cơ chế hỗ trợ trực tiếp xây dựng NTM ở cấp thôn, bản, ở những vùng khó khăn. Cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, số lượng chuỗi nông sản an toàn tăng 78 chuỗi so với năm 2016. Kinh tế hợp tác có bước phát triển rõ rệt. Số HTX nông nghiệp tăng thêm 1.275 đơn vị”.
Một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo cánh đồng lớn, điển hình như tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 11.000ha xoài, hơn 3.800ha bưởi da xanh.
Nhiều địa phương đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, hình thành chuỗi liên kết như ở Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Vĩnh Long; mô hình NTM gắn với du lịch sinh thái như các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Sơn La, Lào Cai và các mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch homestay…
So với năm 2016, cả nước có 62% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Riêng tiêu chí về tổ chức sản xuất có 70,8% số xã đạt chuẩn.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong xây dựng NTM, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đó là công tác bảo vệ môi trường nông thôn.
“Vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp đã có bước tiến nổi bật, nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt việc xử lý rác thải tập trung trên phạm vi toàn tỉnh như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đưa 3.500 xã đạt chuẩn
Trong năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch-an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn bền vững.
Để làm được điều đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, các hình thức sản xuất trong nông nghiệp sẽ được đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương do nguồn bổ sung đợt 2 năm 2017 chậm giao cho các bộ, ngành; ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ NNPTNT đề nghị bổ sung vốn ngân sách trung ương (khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng) năm 2018 để giúp các địa phương có nguồn lực thực hiện các mục tiêu, đồng thời giảm bớt áp lực ngân sách trung ương các năm tiếp theo.
Được biết, kế hoạch tổng vốn ngân sách trong 3 năm 2016-2018 là gần 24.000 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng vốn cả giai đoạn 5 năm.
Năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 39-40% số xã (khoảng 3.530 xã) đạt chuẩn NTM, tăng khoảng 5-6% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Nguồn Dân việt