Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Toà án Nhân dân tỉnh:
Đề nghị Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động
Chủ nhật: 23:53 ngày 27/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - HĐXX TAND tỉnh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Châu, bác kháng cáo của Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong, buộc Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong phải chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Tài Ba 37.500.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Nho tranh luận tại phiên toà.

Sáng 25.2, TAND tỉnh tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là ông Lê Tài Ba (sinh năm 1965, ngụ xã Tân Phú, Tân Châu) và bị đơn là Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong (Tân Hội, Tân Châu). Trước đó, TAND huyện Tân Châu đã xét xử sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của ông Lê Tài Ba, buộc Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong phải có trách nhiệm trả cho ông Lê Tài Ba số tiền trợ cấp thôi việc từ năm 2006 đến năm 2008 là 37.500.000 đồng. Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong kháng cáo quyết định của HĐXX sơ thẩm.

Theo trình bày của ông Lê Tài Ba, từ tháng 3.1989, ông làm cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ Nông trường Tân Hưng và nhiều chức vụ khác thuộc Liên hiệp Xí nghiệp đường tổng hợp Tây Ninh (nay là Công ty Mía đường Tây Ninh). Từ tháng 11.2005, ông công tác tại Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong.

Đến tháng 3.2011, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh (nay là Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh) điều động ông đến nhận công tác tại Công ty TNHH khoai mì Tây Ninh (nay là Công ty cổ phần khoai mì Tây Ninh).

Đến ngày 31.12.2019, ông Lê Tài Ba và Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoai mì Tây Ninh thoả thuận chấm dứt HĐLĐ, mọi quyền lợi, chế độ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về việc chi trả chế độ thôi việc, Công ty cổ phần khoai mì Tây Ninh đã đóng BHTN cho ông Lê Tài Ba, nên theo quy định, công ty này không có nghĩa vụ chi trả tiền trợ cấp thôi việc. Thời gian ông làm việc tại Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh từ năm 1989 đến năm 2005 đã được đơn vị này chi trả trợ cấp thôi việc số tiền 275.000.000 đồng.

Thời gian còn lại là 3 năm từ 2006 đến 2008, ông chưa được đơn vị nào chi trả. Ngày 6.1.2020, Sở LĐ-TB&XH có Công văn số 30 về việc chi trả chế độ thôi việc cho ông Lê Tài Ba. Theo đó, ông Lê Tài Ba được biết, nghĩa vụ chi trả trợ cấp thôi việc cho ông từ năm 2006 đến năm 2008 là Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong, nên khởi kiện công ty.

Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong cho rằng, giữa công ty và ông Lê Tài Ba không có bất kỳ HĐLĐ nào nên không có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc. Công ty Mía đường Tây Ninh là đơn vị sử dụng lao động, có giao kết HĐLĐ từ năm 1989 đến thời điểm ông Lê Tài Ba nghỉ nên Công ty Mía đường Tây Ninh phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp.

Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong còn cho rằng Công văn số 30 của Sở LĐ-TB&XH đã áp dụng sai quy định pháp luật. Do đó, Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong đề nghị Toà án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Tài Ba và làm đơn kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong giữ nguyên quan điểm trên, không chấp nhận chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Tài Ba; và cho rằng ông Lê Tài Ba yêu cầu công ty phải chi trả trợ cấp thôi việc dựa vào mức đóng BHXH 25 triệu đồng/tháng (tiền lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc) là không có cơ sở. Vì tính trung bình 6 tháng liền kề trước khi điều chuyển, mức lương ông Lê Tài Ba được Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong trả là 2.839.000 đồng.

Tranh luận ý kiến của đại diện công ty, ông Nguyễn Văn Nho- Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động, Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Tây Ninh (Liên đoàn Lao động tỉnh) - đại diện hợp pháp của ông Lê Tài Ba cho rằng, việc Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong không ký kết HĐLĐ với ông Lê Tài Ba nên không có nghĩa vụ chi trả chế độ thôi việc là sai.

Vì theo quy định, ông Lê Tài Ba là bộ đội chuyển ngành trước năm 1995. “Theo Luật Lao động năm 1994, có hiệu lực từ 1.1.1995, nếu những người được tuyển từ trước năm 1995, có thể điều chuyển từ công ty Nhà nước này sang công ty Nhà nước khác mà không phải chấm dứt HĐLĐ; đây là điều chuyển, vì người lao động chưa nghỉ việc, do đó, mức tính trung bình 6 tháng liên tiếp vào thời điểm nghỉ làm vào năm 2019 là có cơ sở.

Việc Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong cho rằng ông Lê Tài Ba không phải là người lao động của công ty là không đúng, vì ông Lê Tài Ba đã được công ty phân công công việc, được trả lương, được đóng BHXH, BHYT, BHTN. Công ty cho rằng Công văn số 30 của Sở LĐ-TB&XH không có cơ sở pháp lý là không đúng, vì từ năm 2020 cho đến nay, chưa có bất kỳ đơn vị nào có văn bản khiếu nại công văn này”- ông Nguyễn Văn Nho phản biện.

Phía đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, căn cứ tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ và sự thừa nhận của bị đơn, xác định được ông Lê Tài Ba làm việc thực tế tại Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong thời gian từ tháng 1.2006 đến tháng 3.2011.

Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong trả lương, đóng BHXH cho ông Lê Tài Ba theo quy định pháp luật. Từ năm 2009, Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong đóng BHTN cho ông Lê Tài Ba. Do vậy, có căn cứ xác định Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong là người sử dụng lao động nên phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Tài Ba từ năm 2006-2008 theo quy định tại Điều 36 và Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 và Khoản 1 Điều 14 Nghị định 05/2015 ngày 12.1.2015 của Chính phủ.

Trên cơ sở căn cứ tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ, tranh luận tại phiên toà, HĐXX TAND tỉnh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Châu, bác kháng cáo của Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong, buộc Công ty cổ phần khoai mì Nước Trong phải chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Tài Ba 37.500.000 đồng.

NGỌC DIÊU

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục