Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đề nghị tăng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm nghệ thuật
Thứ tư: 21:54 ngày 25/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 24.10, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị tổng kết việc thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Văn học - Nghệ thuật.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tạo chuyển biến

Ngày 14.2.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 21 quy định nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao trên cơ sở thoả thuận giữa bên sử dụng tác phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; trường hợp tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thì nhuận bút, thù lao được trả theo hợp đồng đặt hàng, đấu thầu.

Nghị định số 21 góp phần tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng thực thi, ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan từ các cơ quan, đơn vị sử dụng tác phẩm nói riêng và từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh khi khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Việc triển khai thực hiện Nghị định số 21 trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động văn học, nghệ thuật, phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng; các hoạt động sáng tạo, phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.

Hoạt động sáng tác, biểu diễn, triển lãm nghệ thuật từng bước đi vào nền nếp, góp phần thúc đẩy phong trào văn hoá - nghệ thuật của địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài nước có tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác đào tạo, từng bước xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có văn nghệ sĩ là cán bộ, chiến sĩ Công an.

Đề nghị điều chỉnh chế độ cho hợp lý

Sau 8 năm áp dụng, việc thực hiện Nghị định 21 còn không ít hạn chế. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Nghị định số 21 chỉ phù hợp đối với trường hợp sáng tạo tác phẩm bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các trường hợp sáng tạo tác phẩm điện ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật khác, có sự hợp tác theo phương thức xã hội hoá khó áp dụng các quy định của Nghị định số 21.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định 21 đang giới hạn ở ba nhóm lĩnh vực là điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và nghệ thuật biểu diễn có liên quan đến ngân sách Nhà nước. Một số loại hình tác phẩm khác như kiến trúc, công trình khoa học… không thuộc phạm vi của Nghị định.

Nghị định 21 chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, đặc biệt là các thể loại, hình thức mới xuất hiện nên khó khăn khi vận dụng chi trả nhuận bút đối với các thành phần tham gia sáng tạo các thể loại, hình thức tác phẩm này. Nhiếp ảnh là một trong các loại hình tác phẩm dễ bị sao chép, khai thác, sử dụng để làm tác phẩm phái sinh. Nghị định chưa quy định về nhuận bút trong trường hợp sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để làm tác phẩm phái sinh.

Chế độ nhuận bút, thù lao cho tác giả, bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ, người làm nghệ thuật còn thấp, chưa đánh giá đúng mức, chưa tương xứng với tài năng, công sức của người nghệ sĩ sáng tạo, do đó, chưa thực sự động viên, khích lệ, tạo động lực cao cho các nghệ sĩ sáng tác và tổ chức, cá nhân đầu tư sáng tạo tác phẩm, chương trình nghệ thuật chất lượng. Đại diện một số đơn vị phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, chế độ nhuận bút, thù lao hiện tại rất thấp.

Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về nhuận bút, thù lao tại Nghị định 21 bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Sửa đổi, bổ sung, cụ thể hoá một số thể loại, loại hình, quy mô tác phẩm, thành phần sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Nghiên cứu bổ sung phương pháp xác định tiền bản quyền mới phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính, các định mức kinh tế kỹ thuật đã ban hành khi tiến tới bãi bỏ mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, mở rộng và phân chia hợp lý các mức và khung nhuận bút, thù lao phù hợp với khả năng ngân sách của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thoả thuận nhằm nâng cao hiệu quả thi hành trong thực tế.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục