BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề nghị thanh lý 5 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn kém hiệu quả 

Cập nhật ngày: 02/11/2018 - 05:30

BTN - 5 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả do đầu tư tại những địa điểm không hợp lý, không phù hợp quy hoạch (quy hoạch khu dân cư nhưng không hình thành khu dân cư), TTNS kiến nghị thanh lý: công trình cấp nước ấp Thạnh Hiệp, công trình cấp nước ấp Cây Nính, công trình cấp nước ấp B2, công trình cấp nước ấp Hiệp Bình và công trình cấp nước ấp Tân Hoà.

Công trình cấp nước tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh được kiến nghị thanh lý do xuống cấp, kém hiệu quả.

Cung cấp nước sinh hoạt sạch cho người dân khu vực nông thôn là một chủ trương lớn của Nhà nước để bảo đảm sức khoẻ cho người dân vùng nông thôn, những vùng khó khăn về nước sinh hoạt.

Theo Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn tỉnh (TTNS), thời gian qua, TTNS đã nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành các công trình cấp nước, bảo đảm chất lượng nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn, tăng số hộ sử dụng nước sạch năm sau cao hơn năm trước.

TTNS đang quản lý, vận hành 70 công trình cấp nước, gồm 69 công trình khai thác nguồn nước dưới đất, 1 công trình khai thác nguồn nước mặt trên địa bàn 41 xã trong tỉnh. Trong đó có 33 công trình nằm trên địa bàn các xã biên giới.

Công suất hoạt động trung bình của toàn bộ các công trình nước sạch nông thôn là 8.728/9.662m3/ngày đêm, đạt 90% công suất thiết kế, cung cấp nước cho 18.015/21.315 hộ sử dụng, đạt 84,5% số hộ thiết kế. Trong đó, có 1.330 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 7,38% trên tổng số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn. Thời gian cấp nước của các công trình cấp nước thời gian qua được ổn định, liên tục 16 giờ/ngày (từ 5 giờ - 21 giờ).

Về chất lượng nước cung cấp sinh hoạt cho người dân, kết quả xét nghiệm mẫu nước sau xử lý tại các công trình cấp nước tập trung đạt QCVN 02:2009/BYT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt”. Tuy nhiên, do công nghệ lạc hậu nên chất lượng nước có tính ổn định không cao, đôi lúc nước sau xử lý chưa đạt QCVN 02:2009/BYT.

Trong giai đoạn 2012-2018, có 20 công trình được sửa chữa nâng cấp và 3 công trình được đầu tư mới có công nghệ xử lý nước tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng nước.

Toàn tỉnh có 9 công trình có công nghệ xử lý nước tiên tiến. Tuy nhiên, hiện nhu cầu nâng cấp các công trình cấp nước còn nhiều (46/70 công trình). Phần lớn các công trình cấp nước được đầu tư trước năm 2008, công nghệ xử lý lạc hậu, không còn phù hợp (42/70 công trình).

Theo Quyết định số 2570/QÐ-BNN-TCTL ngày 22.10.2012 của Bộ NN&PTNT, Tây Ninh có 45/70 công trình hoạt động hiệu quả, 17/70 công trình hoạt động bình thường và 8 công trình hoạt động chưa hiệu quả.

Ðể nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân, TTNS đã xây dựng kế hoạch giảm số lượng trạm cấp nước hoạt động yếu kém, tăng số lượng trạm cấp nước bền vững, đồng thời phối hợp với UBND các xã tiến hành xử lý các hành vi gây thất thoát nước, trộm cắp nước, phá hoại tài sản công trình cấp nước.

TTNS cũng đã triển khai mô hình phần mềm Citywork tại các công trình cấp nước như quản lý vận hành, in hoá đơn thu tiền nước, chốt chỉ số đồng hồ nước, phát hiện hư hỏng đường ống, quản lý khách hàng sử dụng nước, hạn chế tình trạng người dân trộm nước, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Các công trình cấp nước kém hiệu quả là do được đầu tư xây dựng tại địa điểm không hợp lý, không phù hợp quy hoạch. Trong đó, 2 công trình cấp nước ấp Thạnh Hiệp (Bàu Rã), xã Thạnh Bắc - huyện Tân Biên và công trình cấp nước ấp Cây Nính (xã Phước Trạch - huyện Gò Dầu) được xây dựng trên khu đất nghĩa địa đã được giải toả.

Tại các công trình cấp nước đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người dân dùng nước được cung cấp từ công trình cấp nước để uống, nên công trình không phát huy tối đa công suất sử dụng so với năng lực thiết kế.

Ngoài ra, còn 5 công trình cấp nước có nhiều hạng mục chính đã xuống cấp nên không thể phát huy hết năng lực thiết kế. Một số công trình thiết kế chưa sát thực tế như dự báo số hộ dân trong tương lai quá cao... Phần lớn các tuyến ống tại các công trình cấp nước sử dụng ống PVC có tuổi thọ các mối nối dán keo khoảng 8-10 năm, dẫn đến hư hỏng xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Việc cung cấp nước trong mùa khô gặp nhiều khó khăn như máy bơm nước thường xuyên bị cháy, hư hỏng do phải hoạt động quá công suất nhưng không có kinh phí để khắc phục, sửa chữa thay thế.

TTNS cho biết, trong thời gian tới, khi đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa công trình cấp nước cần đầu tư cấp nước liên xã, liên vùng, có liên kết mạng lưới cấp nước từ nhiều nguồn khác nhau như Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh, các doanh nghiệp.

Người dân xã An Thạnh, huyện Bến Cầu sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ công trình cấp nước nông thôn cung cấp (ảnh minh hoạ).

Riêng đối với 5 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả do đầu tư tại những địa điểm không hợp lý, không phù hợp quy hoạch (quy hoạch khu dân cư nhưng không hình thành khu dân cư), TTNS kiến nghị thanh lý: công trình cấp nước ấp Thạnh Hiệp (Bàu Rã - xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên); công trình cấp nước ấp Cây Nính (xã Phước Trạch - huyện Gò Dầu); công trình cấp nước ấp B2 (xã Phước Minh - huyện Dương Minh Châu); công trình cấp nước ấp Hiệp Bình (xã Hoà Thạnh - huyện Châu Thành) và công trình cấp nước ấp Tân Hoà (xã Tân Bình - thành phố Tây Ninh).

Ðối với các công trình có nhiều hạng mục xuống cấp và một số công trình hoạt động bình thường, có mạng lưới tiếp giáp, chồng lấn với mạng lưới cấp nước của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh, TTNS kiến nghị bàn giao số hộ sử dụng tại các công trình trên về Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh cung cấp.

Riêng đối với các xã xây dựng nông thôn mới, TTNS kiến nghị trong quá trình cải tạo, mở rộng nền đường, xây dựng cống thoát nước, chủ đầu tư cần khảo sát, lập chi phí di dời tuyến ống cấp nước, hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn.

THIÊN TÂM