Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hỗ trợ hệ thống xử lý nước:
Để người dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn
Thứ tư: 05:38 ngày 25/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống đa số nông dân được cải thiện, hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo vùng nông thôn được đổi thay. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để có từ 65% hộ gia đình trở lên sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN02:2009/BYT theo bộ tiêu chí về xã nông thôn mới không hề là chuyện dễ.

Người dân tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình sử dụng nước được cung cấp từ trạm cấp nước sạch nông thôn.

CHÍNH SÁCH MANG TÍNH XÃ HỘI CAO

Với mục tiêu đề ra, đến năm 2020, toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, để đạt chỉ tiêu 17.1 về sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch thuộc tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định phải đạt từ 98% trở lên, trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN02:2009/BYT từ 65% trở lên.

Kết quả thực hiện bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2015 của tỉnh cho thấy, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh là 96,64%, nước sạch theo quy chuẩn 02:2009/BYT đạt 49,31%.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn tại các xã nông thôn mới đạt 65%, tỷ lệ hộ dân ở các xã nông thôn còn lại đạt 51% và tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch đạt 60,18%, tỉnh còn cần phải thực hiện công tác hỗ trợ hệ thống xử lý hộ gia đình là 15.834 hộ.

Cũng theo Sở NN&PTNT, trường hợp không ban hành chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình, thì đến năm 2020, dự kiến tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch theo QCVN:02/BYT đạt 53,82% (tổng số hộ dân nông thôn toàn tỉnh hiện có 240.546 hộ, dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số là 0,86%, tổng số hộ dân nông thôn sẽ nâng lên 248.928 hộ).

Trong khi tổng số hộ dự kiến sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh, dự án xây dựng hệ thống cấp nước đô thị Mộc Bài - Tây Ninh là 133.976 hộ. Như vậy sẽ không đạt chỉ tiêu 17.1- tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch thuộc tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, dẫn đến không đạt được mục tiêu đề ra tại Quyết định 455/QĐ-UBND, ngày 1.6.2017 của UBND tỉnh, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.

Từ những lý do đó, Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đây là chính sách thực sự cần thiết, bởi chính sách này mang tính xã hội cao, mang đến  sự công bằng giữa các hộ dân trong và ngoài vùng cấp nước được tiếp cận với nguồn nước sạch.

Mặt khác, chính sách này góp phần hoàn thành chỉ tiêu 17.1, tiêu chí 17 bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đồng thời việc sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn còn nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, giảm chi phí y tế cho người dân.

VẪN CÒN NHIỀU NGƯỜI DÂN “KHÁT” NƯỚC SẠCH

Qua tìm hiểu, hiện nay vẫn còn nhiều người dân sống tại khu vực nông thôn đang sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh. Do khu vực sinh sống không có trạm cấp nước sạch nông thôn hay hệ thống cung cấp nước sạch tập trung nên người dân đành phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng.

Đơn cử như tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh, dù khá gần trung tâm Thành phố và từ lâu đã được ngành Nông nghiệp quan tâm đầu tư trạm cấp nước sạch nông thôn, thế nhưng, do nguồn nước ngầm tại đây đã bị ô nhiễm nặng nề nên hệ thống lọc nước của trạm cấp nước sạch nông thôn không thể lọc được nước sạch như mong muốn.

Trưởng ấp Tân Hoà chia sẻ, do khu vực dân cư này trước đây có nhiều lò mì, nhà máy chế biến tinh bột hoạt động nên mạch nước ngầm ô nhiễm khá nặng nề. Nước giếng người dân bơm lên, không những có màu vàng đục mà còn có mùi hôi nồng nặc nên không người dân nào dám sử dụng. Trong khi đó, nước được cấp từ trạm cấp nước sạch nông thôn dù vẫn có màu vàng nhưng vẫn đỡ hơn. Tuy vậy, người dân chỉ dám sử dụng vào việc tắm giặt, còn nước uống, nước dùng để nấu ăn thì phải sử dụng nước đóng bình.

Bà Trần Thị Tài, ngụ trên đường Trần Văn Trà, ấp Tân Hoà, xã Tân Bình cho biết, nước giếng bị ô nhiễm đã đành, đến nước máy do trạm cấp nước sạch nông thôn cung cấp cũng không bảo đảm chất lượng. Người dân chỉ mong chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ có nguồn nước sạch để sử dụng.

Cũng theo Trưởng ấp Tân Hoà, người dân rất mừng nếu chính sách hỗ trợ xử lý nước hộ gia đình được triển khai. Tuy nhiên, bà con vẫn còn lo ngại, với tình trạng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng nề như hiện nay, không biết thiết bị lọc nước có bảo đảm lọc nước sạch hay không.

Về vấn đề này, được biết, Công ty cổ phần Cấp thoát nước vừa đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch tại đây, nhưng chỉ đầu tư một khu vực, còn lại khoảng 100 hộ dân dù “khao khát” được sử dụng nước sạch vẫn chưa được đáp ứng. Do đó, ông mong muốn các ngành chức năng có giải pháp giúp đỡ người dân nơi đây có nước sạch sử dụng trong thời gian tới.

Nguồn nước ngầm mà người dân sử dụng tại ấp Xóm Mía, xã Phước Trạch bị nhiễm phèn nặng.

Một vị lãnh đạo UBND Phước Trạch, huyện Gò Dầu cho biết: “Nếu chính sách được triển khai thì rất đáng mừng cho người dân ở những nơi nước ngầm bị ô nhiễm nhưng chưa có hệ thống cung cấp nước tập trung. Cụ thể như tại khu vực ấp Xóm Mía, dù đã được đầu tư trạm cấp nước sạch nhưng trạm lại nằm trên đất nghĩa địa giải toả chưa lâu, dẫn đến việc người dân e ngại không dám sử dụng.

Do trạm cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả nên ngành quản lý chuẩn bị thanh lý. Hiện nay tại ấp Xóm Mía, vẫn còn một số hộ dân sống gần sông Vàm Cỏ Đông sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, phải dùng phương pháp lọc truyền thống bằng đá, sạn trước khi sử dụng”.

Một vị lãnh đạo UBND Phước Trạch, huyện Gò Dầu cho biết: “Nếu chính sách được triển khai thì rất đáng mừng cho người dân ở những nơi nước ngầm bị ô nhiễm nhưng chưa có hệ thống cung cấp nước tập trung.

Cụ thể như tại khu vực ấp Xóm Mía, dù đã được đầu tư trạm cấp nước sạch nhưng trạm lại nằm trên đất nghĩa địa giải toả chưa lâu, dẫn đến việc người dân e ngại không dám sử dụng.

Do trạm cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả nên ngành quản lý chuẩn bị thanh lý. Hiện nay tại ấp Xóm Mía, vẫn còn một số hộ dân sống gần sông Vàm Cỏ Đông sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, phải dùng phương pháp lọc truyền thống bằng đá, sạn trước khi sử dụng”.

Theo dự thảo chính sách hỗ trợ thiết bị lọc nước hộ gia đình, đối tượng được áp dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ có mức sống trung bình, hộ nông thôn khác. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình phải thuộc danh sách điều tra mới nhất được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Điều kiện để được hỗ trợ là có giếng khoan, giếng đào hoặc nguồn cấp nước khác chưa bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch theo quy định; cam kết chủ động kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị trong quá trình sử dụng; có đơn đề nghị hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước hộ gia đình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải có nguồn vốn đối ứng theo quy định đối với các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần.

Theo đó, đối với hộ nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng: ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị của hệ thống xử lý nước. Đối với hộ cận nghèo, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 75% giá trị, hộ có mức sống trung bình được hỗ trợ 50% và hộ nông thôn khác được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% giá trị của hệ thống xử lý nước.

Chính sách này về cơ bản đã được UBND tỉnh đồng ý, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh đề án để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua. Hy vọng khi chính sách này chính thức đi vào cuộc sống, người dân nông thôn sẽ có thêm nhiều cơ hội sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

THIÊN TÂM

 

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh