BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Để những ngày nghỉ tránh dịch không lãng phí'

Cập nhật ngày: 16/02/2020 - 16:48

Vừa nghe nhà trường thông báo nghỉ học tiếp cho đến hết tháng hai, một nhóm học sinh của tôi than thở: "Em muốn đi học", “làm gì bây giờ"...

Tôi là một giáo viên, xin gửi đôi điều nhắn nhủ tới học sinh trên khắp cả nước trong những ngày nghỉ học vì Covid-19:

Vừa nghe nhà trường thông báo nghỉ học tiếp cho đến hết tháng hai, một nhóm học sinh của tôi đã lập tức tương tác trên nhóm chat của lớp. Hầu hết, các em chia sẻ những điều như: "Ôi, chán quá"; "Em muốn đi học"; "Làm gì bây giờ"; "Nhớ bạn, nhớ trường, nhớ lớp"; "Những ngày địa ngục"; "Tụ tập đi các bạn ơi"; "Ghét corona"; "Thông báo đi học đi thầy ơi"; "Em ghét thông báo nghỉ này"...

Hiện tượng này cho thấy các em học sinh rất muốn đi học, không thích tiếp tục nghỉ vì nhớ trường, nhớ bạn; vì những bài học dang dở dang; vì ở nhà buồn chán không biết làm gì... Đây là những tâm lý phổ biến của tuổi học trò.

Mặt khác, điều này cũng cho thấy nhiều học sinh bây giờ chưa có kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh. Các em chưa hiểu biết nhiều về nguyên nhân phải nghỉ học, đến nguy hại của dịch Covid–19. Ngoài ra, học sinh chưa có năng lực tự giải trí, chưa có những đam mê riêng của bản thân mà chỉ cần có thời gian thực hiện là một hạnh phúc. Các em thích sống ồn ào, thích hoạt động, thích đi lại mà chưa thấy những phút giây riêng tư, tĩnh lặng cũng thú vị biết bao.

Cuộc sống chung của cộng đồng cũng như cuộc sống riêng của mỗi cá nhân, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, hay tuân theo những lịch trình, kế hoạch đã vạch sẵn. Điều quan trọng là, ở những chặng đường nào, cảnh ngộ tình huống nào, ta cũng tìm cho mình nguồn vui và sống có ý nghĩa.

Vậy các em học sinh nên làm gì trong những ngày nghỉ học vì Covid–19?

Nên đọc báo và xem thời sự hàng ngày để tìm hiểu những gì đang xảy ra xung quanh mình. Chúng ta không chỉ học để thi cử, để lấy bằng cấp, để xin việc. Chúng ta cần phải biết thế giới chúng ta đang sống như thế nào, để có cách ứng xử phù hợp để tốt cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Đọc báo để biết rõ những thông tin về dịch bệnh, để thấy tình hình ở Vũ Hán, Trung Quốc khủng khiếp như thế nào. Ngoài ra để thấy tình người trong hoạn nạn; sự nỗ lực căng mình, sự hy sinh của các y bác sĩ; sự lo lắng, sẻ chia của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối với công dân của mình...Chỉ cần một chút sự rung cảm của bạn dành cho đồng loại cũng thể hiện bạn là người đáng giá bao nhiêu, tuyệt vời như thế nào?

Nên đọc sách. Các em nên đọc những cuốn sách mà mình yêu thích, những cuốn sách mà khi các đi học không có thời gian để đọc vì khối lượng bài tập khổng lồ ở lớp. Đây là khoảng thời gian thú vị nhất của các em, có thể đọc những cuốn sách mà mình chưa thích hay chưa biết đến. 

Đọc sách giúp các em ngộ ra nhiều điều về bản thân mình và về cuộc sống bằng cả con tim và lý trí của mình. Nếu không có nhiều sách, các em có thể đọc kỹ những cuốn sách giáo khoa của mình cũng thật sự rất tốt, giúp các em hệ thống lại kiến thức, hiểu ra những điều mình đã lướt qua, nối kết những điều mình chưa kịp nối kết. Đọc, gạch chân, trò chuyện với sách, sách sẽ tặng các em những món quà bất ngờ.

Dành thời gian trò chuyện với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Hàng ngày, các em học sinh bận rộn với bài vở, hầu hết thời gian là ở trường. Được ngày nghỉ chủ nhật ít ỏi lại muốn ngủ nướng, học thêm. Thời gian nghỉ là lúc ta nối kết tình thân. Hãy hỏi thăm sức khỏe ông bà, ngồi xem tivi hay cùng nấu cơm, ăn bữa cơm với ông bà, bố mẹ. 

Nên viết bài luận: các em có thể viết về bất cứ đề tài nào. Những ngày nghỉ, khóm hoa trước ban công nhà, chú cún, cuốn sách đang đọc, những nỗi buồn, những ước mơ... Điều đó không chỉ là các em đang luyện viết bài luận, mà còn đang khám phá cuộc sống, bản thân, một vũ trụ chứa đầy bí mật mà các em chưa có thời gian khám phá.

Nhớ đừng đi ra ngoài nếu như không cần thiết. Và thường xuyên cập nhật những thông tin hướng dẫn phòng chống dịch Covid – 19 của bộ Y tế để cùng nhau chiến thắng đại dịch các em nhé! Thời gian chỉ là vàng khi con người ta làm được việc gì đó có ý nghĩa mà thôi.

Nguồn VNE