Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để nông dân Tây Ninh làm giàu trên chính mảnh đất của mình
Thứ hai: 11:01 ngày 09/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để có thể thực hiện việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hướng đến thị trường thế giới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, trong thời gian tới, kinh tế Tây Ninh nói chung và ngành nông nghiệp Tây Ninh nói riêng sẽ tập trung cơ cấu lại, sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường là một trong số các giải pháp được chú trọng.

Anh Trần Trung Kiên - Tổ trưởng THT sản xuất mãng cầu Suối Đá, huyện Dương Minh Châu giới thiệu mãng cầu của địa phương với Công ty cổ phần Công nghệ Phụng Sơn.

BA CÂU HỎI CỦA BỘ TRƯỞNG

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức vào ngày 6.1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn. Một nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ - 12,8 triệu hộ nông dân, nhưng có đến 78 triệu miếng ruộng thì không thể hội nhập.

Một nền kinh tế nông nghiệp như vậy không thể nào chiến thắng, không thể phát triển, thậm chí sẽ thụt lùi. Mặt khác, hiện nay chúng ta đang phải đối diện trước thách thức của biến đổi khí hậu. Năm 2016 là minh chứng rõ rệt nhất, Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương lớn nhất, thiệt hại về thiên tai khoảng 39.000 tỷ đồng, tương ứng với 1,7 tỷ USD. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, hướng đến thị trường thế giới là vấn đề hết sức nóng bỏng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Một cách chân tình và thẳng thắn, Bộ trưởng đặt ra ba vấn đề và gợi mở câu trả lời rất khoa học và rõ ràng:

Thứ nhất, trả lời câu hỏi: Làm nông nghiệp có giàu không? Bộ trưởng khẳng định: làm nông nghiệp sẽ giàu nếu làm bài bản, khoa học và đồng bộ. “Các nhà đầu tư đến từ Nhật bản đến tham dự Hội thảo là câu trả lời rõ ràng nhất. Vùng giàu nhất đất nước Nhật bản là vùng trồng cây xà lách. Israel là vùng đất khô cằn như vậy nhưng khiến thế giới phải nhắc đến câu chuyện làm nông nghiệp của họ. Tại hội thảo này còn có sự tham dự của anh Út Huy ( ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An– PV), là tỷ phú về chuối, về tôm, về bò…”- Bộ trưởng chứng minh.

Thứ hai, Tây Ninh có gì để làm nông nghiệp? Bộ trưởng cho biết, rất ít có tỉnh nào có điều kiện tốt như Tây Ninh- khi có 86% đất nông nghiệp, đất lại bằng phẳng rất lý tưởng để trồng trọt, chăn nuôi. Hơn thế nữa, Tây Ninh lại có khí hậu ôn hòa, rất ít khi có bão Tây Ninh lại còn có nguồn nước dồi dào nhất cả nước với hai con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ và còn có hồ Dầu Tiếng… Đa dạng sinh học của Tây Ninh rất tốt. Ngoài ra, về tiềm năng thị trường, tỉnh còn có lợi thế lớn là kề cận với thị trường 15 triệu dân là thành phố Hồ Chí Minh, có hai cửa khẩu quốc tế… Do vậy, Tây Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Và vấn đề thứ ba chính là: Thực hiện như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng nhất. Bộ trưởng nói: “Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư lớn đến với chúng ta. Chúng ta nói được cái mình có, đã thể hiện khát vọng của mình. Giờ quan trọng nhất là chúng ta làm”. Bộ trưởng thống nhất với giải pháp Tây Ninh đã đề ra, đồng thời nhấn mạnh tỉnh cần rà soát lại quy hoạch. Cần có chính sách khuyến khích người dân làm trang trại, làm hợp tác xã. Cần có sự chỉ đạo quyết liệt và sự đồng thuận cao của nông dân.

QUYẾT TÂM THỰC HIỆN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ  cao CỦA TÂY NINH

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết, năm 2015, tổng giá trị sản phẩm của ngành nông- lâm nghiệp chiếm gần 28% tổng sản phẩm của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt thu được khoảng 85,5 triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn các nông sản của tỉnh chủ yếu chế biến và tiêu thụ ở dạng thô, không có thị trường ổn định, chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân, hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ, nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hoá không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp. Các vấn đề cấp thiết trên đã đặt ra yêu cầu phải đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững. Vấn đề đặt ra cho nền nông nghiệp cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng là phải tiến tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, phát triển thương hiệu, thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang chia sẻ: “Động cơ lớn nhất, ước ao lớn nhất của chúng tôi là muốn cho nông dân Tây Ninh giàu lên, để từ đó tỉnh có sự phát triển. Có một sự so sánh với phát triển công nghiệp thế này, khi chúng ta phát triển khu công nghiệp thì nhà đầu tư đem công nghệ đến, người nông dân đi làm công nhân, mỗi tháng chỉ lãnh vài triệu, đời sống thực sự còn rất khó khăn, không biết tương lai sẽ thế nào. Nhưng, nếu làm nông nghiệp thì nhà đầu tư phải chuyển giao công nghệ để nông dân làm, từ đó nông dân có quyền được làm giàu và có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó là những ước ao, mong muốn mà chúng tôi đẩy lên thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị”.

Vậy Tây Ninh có những gì để làm nông nghiệp công nghệ cao, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hướng đến thị trường thế giới?

Về tiềm năng, Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Bình Phước và Vương quốc Campuchia. Là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp; quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp chiếm trên 85% (khoảng 346.000 ha) trên diện tích đất tự nhiên; địa hình bằng phẳng, thuận tiện cho việc sử dụng cơ giới hoá trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích hợp với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng theo nhu cầu thị trường; có nguồn nước dồi dào để khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống thuỷ lợi khá đồng bộ với hệ thống tưới tiêu của hồ Dầu Tiếng có quy mô lớn nhất nước, có thể tưới tiêu chủ động cho 47.000 ha đất canh tác; có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, cũng như hội tụ đầy đủ các yếu tố cho một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó nông nghiệp công nghệ cao, du lịch là thế mạnh.

Để có thể thực hiện việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hướng đến thị trường thế giới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, trong thời gian tới, kinh tế Tây Ninh nói chung và ngành nông nghiệp Tây Ninh nói riêng sẽ tập trung cơ cấu lại, sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường là một trong số các giải pháp được chú trọng. Cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện một số nhiệm vụ và định hướng chính như sau:

Thứ nhất,  đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh ưu tiên dùng một phần quỹ đất công với diện tích khoảng 1.800 ha (thu hồi từ các nông trường) tổ chức quy hoạch, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư có đủ nguồn lực, công nghệ và thị trường trong và ngoài nước thực hiện các dự án phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu theo chuỗi giá trị vào sản xuất; những doanh nghiệp này sẽ làm nền tảng dẫn dắt nông dân, trang trại, doanh nghiệp địa phương cùng phát triển.

Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu ban hành các cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý trong các hoạt động trong chuỗi giá trị sản xuất, nông nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách hỗ trợ sản xuất như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ/CP; chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn; chính sách chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao… Sắp tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực- nhất là nhân lực phục vụ nông nghiệp bảo đảm chất lượng, số lượng đáp ứng quá trình hiện đại hoá nông nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu mô hình phát triển dịch vụ hỗ trợ nông dân như cung cấp thông tin thị trường, quy hoạch định hướng cây trồng, phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ thông tin… để các hoạt động trong chuỗi giá trị nông nghiệp diễn ra thông suốt và đạt hiệu quả.

Thu hoạch mía.

Thứ ba, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh. Trong đó, xây dựng nhiều giải pháp đẩy nhanh việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chú trọng về số lượng sang nâng cao chất lượng. Tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường gắn yêu cầu chất lượng, sản lượng và chủng loại hàng hoá mà thị trường cần, bảo đảm khả năng cạnh tranh và phát huy lợi thế tốt nhất trong vùng, nhất là nông sản có tiềm năng giá trị kinh tế cao, tạo tiền đề cho các khâu trong chuỗi giá trị được liên kết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Chú trọng chuyển giao các kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu. Đa dạng hoá các sản phẩm sau nông nghiệp, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành và nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh.

Thứ tư, nghiên cứu, tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu để tìm đầu ra cho nông sản. Duy trì, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa truyền thống, chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời tiếp cận, thâm nhập vào các thị trường tiềm năng…

Cho đến nay, các hợp đồng thoả thuận về đầu ra cho nông dân Tây Ninh với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á và nội địa  đã  được thống nhất. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhất trí đầu tư và tiến hành khảo sát, xúc tiến các thủ tục đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Ninh.

Cũng từ đây, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành nghị quyết về tái cấu trúc nền nông nghiệp của tỉnh, phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị định hướng thị trường – là một trong những trọng tâm để phát triển KT - XH của tỉnh, được triển khai đầu tiên và giành nhiều nguồn lực nhất. “Sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế, và tỉnh Tây Ninh cũng không nằm ngoài xu thế phát triển này.

Do vậy, mục tiêu của chúng tôi là các ngành hàng nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh phải tiến tới sản xuất theo chuỗi, nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp không những đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng mà còn phải mang lại giá trị cao, thu nhập, lợi nhuận ổn định cho người dân, góp phần thành công trong công cuộc hiện đại hoá nền nông nghiệp”- Ông Phạm Văn Tân nhấn mạnh.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh