Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cùng với các giải pháp về kỹ thuật, người nuôi cần chú trọng đến vấn đề thị trường tiêu thụ. Trong đó, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất; xây dựng thương hiệu, vùng nuôi sạch và quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Gia đình ông Tơ cho cá ăn
Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với những người dân nuôi trồng thuỷ sản xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra không có nên giá thấp, nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn. Hiện nay, việc nuôi trồng thuỷ sản tại xã Phước Minh dần phục hồi nhưng do giá cả bấp bênh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều người vẫn còn khá dè dặt đầu tư nuôi vụ mới.
Người nuôi cá lóc bông lao đao vì Covid-19
Giữa tháng 7.2021, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, việc buôn bán, vận chuyển hàng hoá gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những hộ nuôi cá lóc bông lại càng khó khăn hơn, vì thị trường chính tiêu thụ cá lóc bông là Campuchia và một số chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Thêm, ngụ ấp B4, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu có trang trại rộng 15 ha tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu nuôi cá lóc bông và ba ba. Thời điểm dịch bùng phát cũng là lúc các hầm cá đến kỳ thu hoạch khiến ông Thêm rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên” bởi giá cá thì xuống thấp còn giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, thị trường tiêu thụ không có.
Ông Thêm cho biết: Năm 2020 còn có thể bán cho thương lái xuất bán qua Campuchia, nhưng năm 2021 gần như giậm chân tại chỗ. Trong nước, nhà hàng quán ăn đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh; xuất bán qua Campuchia thì không có thương lái thu mua. Năm 2021, tôi bị lỗ gần 3 tỷ đồng".
Ông Đặng Văn Tâm, ngụ ấp B4, xã Phước Minh cho biết, những năm trước cá lóc đến vụ được thương lái đến tận nơi thu mua với giá ổn định từ 53.000 - 60.000 đồng/kg. Năm 2021 có thời điểm cá lóc bông rớt giá chỉ còn 40.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái mua, gia đình ông bị lỗ khá nặng.
Ông Tâm chia sẻ: “Lúc nuôi phấp phỏng vì sợ cá chết, bệnh, đến lúc thu hoạch cũng không yên tâm vì chẳng thấy thương lái đâu”.
Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, nợ lãi ngân hàng thì ngày một lớn khiến nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản tại xã Phước Minh giảm diện tích hồ, số lao động cũng cắt giảm đáng kể.
Đơn cử như trang trại của ông Thêm có 8 hầm nuôi cá lóc bông, 3 hầm nuôi ba ba. Do giá cả chưa ổn định, lên xuống thất thường nên ông Thêm chỉ thả 5 hầm cá lóc bông và 3 hầm ba ba, bỏ không 3 hầm.
Ông Thêm cho biết, hiện nay, hầu hết các hộ nuôi cá lóc bông chưa có công ty bao tiêu sản phẩm mà chủ yếu là bán cho thương lái, giá cũng lên xuống thất thường theo thị trường, nếu được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.
Thu hoạch cá lóc bông tại gia đình ông Đặng Văn Tâm.
Người nuôi cá lóc đen cũng khó khăn
Năm 2021, người nuôi cá lóc bông lao đao vì giá xuống thấp, những hộ nuôi cá lóc đen, ba ba lại “sống khoẻ” vì có đầu ra ổn định, giá cao.
Ông Nguyễn Văn Tơ, ngụ ấp B4, xã Phước Minh cho biết, thời điểm dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp năm 2021, ông bán cá lóc đen với giá ổn định từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, bởi đây là mặt hàng thiết yếu nhưng nguồn cung cá lóc bị giảm mạnh.
Ông Tơ chia sẻ: “Với 2 hầm nếu đạt năng suất khoảng 28 tấn thì lời 150 triệu đồng, 30 tấn lời khoảng 200 triệu đồng. Với giá bán ổn định thì người nuôi cá lóc đen sống khoẻ. Nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã” người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn”.
Theo ông Tơ, thời điểm tháng 7.2021, giá thức ăn chăn nuôi 530.000 đồng/bao 50kg, hiện nay đã tăng lên 615.000 đồng/bao 50kg. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh nên giá con giống tăng theo. Thời điểm này con giống đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Trong khi đó, giá cá thương phẩm thì lại lên xuống thất thường, nên gia đình ông Tơ bỏ không một số hầm.
Để nghề nuôi trồng thuỷ sản bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 579,6 ha nuôi trồng thuỷ sản, nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên người nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đầu ra. Bởi lẽ, hầu hết các diện tích nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ, chưa được bao tiêu sản phẩm, nên dễ chịu tác động của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều hộ khi muốn tái nuôi trồng cũng gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Trọng Khiêm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh cho biết: Giá thức ăn chăn nuôi đang có giá khá cao, năm 2020, 2021 người nuôi cá lóc bông, cá lóc đen đều gặp khó khăn về đầu ra. Để người dân có vốn sản xuất, thời gian qua, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hộ dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai các chiến lược phát triển ngành nông nghiệp như đề án Phát triển vùng chuyên nuôi trồng thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển diện tích nuôi trồng thuỷ sản và kêu gọi đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, nhà máy thu gom sơ chế thuỷ sản gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Để nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cần định hướng rõ quy mô phát triển cũng như định hướng các đối tượng nuôi đạt giá trị, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng những mô hình nuôi trồng có hiệu quả. Xây dựng mô hình sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị.
Cùng với các giải pháp về kỹ thuật, người nuôi cần chú trọng đến vấn đề thị trường tiêu thụ. Trong đó, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất; xây dựng thương hiệu, vùng nuôi sạch và quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Vũ Nguyệt