Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bà Cao Thị Nhạn – Giám đốc Sở GTVT bức xúc: “Cầu Sài Gòn không sớm thì muộn cũng sẽ sập mất! Vậy mà có người nói với tôi là ngành GTVT chỉ… hù doạ thôi, chứ nếu sập thì nó đã sập rồi. Họ không biết rằng, sau một thời gian “làm việc quá sức” như một sợi dây được kéo căng hết mức, kết cấu của cầu sẽ bị phá vỡ, không còn bền chắc. Đến lúc đó, chỉ cần một lực tác động không đáng kể cũng có thể khiến cầu đổ gục”.
Cầu Sài Gòn có tải trọng chỉ 13 tấn nhưng phải “gồng mình” cõng mỗi ngày nhiều lượt xe có tải trọng từ 30 đến 50 tấn |
@ Xe quá tải tung hoành
Ông Trịnh Văn Lo – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Hiện có khoảng trên 100 xe tải lớn, xe kéo container hoạt động trên địa bàn Tây Ninh để chở hàng hoá cho nhà máy Tafico (than đá và clinker). Tuy nhiên, chỉ có 62 chiếc đăng ký xin cấp giấy lưu hành đặc biệt tại Sở GTVT từ ngày 30.10.2008. Theo lực lượng kiểm tra báo cáo, thời gian gần đây có nhiều loại “phương tiện lạ”, có trọng tải lên tới 80 tấn và xe kéo container 40 feet chở hàng cho Tafico hoạt động liên tục trên các tuyến đường. Hầu hết các loại xe “dù” này chủ yếu hoạt động về đêm để trốn tránh CSGT và Thanh tra Giao thông. Với tải trọng quá lớn như thế này, các phương tiện sẽ gây tai nạn sập cầu bất cứ lúc nào, làm tê liệt giao thông”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xe chở hàng hoá cho nhà máy xi măng Fico- Tây Ninh (Tafico) và một số nhà máy khác ở khu vực các xã Suối Ngô, Tân Hoà… chủ yếu lưu thông theo hai hướng: Từ Thị xã Tây Ninh lên nhà máy và ngược lại; hướng thứ hai là từ Bình Phước về nhà máy và ngược lại. Các xe có tải trọng lớn và xe kéo container chở bột theo ngã đường 794 về Thị xã để đi TP.HCM hoặc theo ngã 794 ngược qua cầu Sài Gòn về Bình Phước. Trung bình, xe kéo container cỡ 40 feet chở bột có tải trọng khoảng trên 40 tấn.
Vào mùa thu hoạch, từ Bình Phước, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải, xe máy kéo kéo rơ moóc chở củ mì vượt sông Sài Gòn về Tân Châu bán củ cho các nhà máy chế biến. Những xe có tải trọng thấp cũng nặng trên 20 tấn, xe có tải trọng cao thì ít nhất phải trên 30 tấn, kể cả xác xe.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, những xe kéo container cỡ 40 feet mui che bạt hoặc những xe “quá khổ quá tải” chở đầy than từ hướng Thị xã Tây Ninh về nhà máy Tafico hầu hết đều có tải trọng trên 50 tấn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mà chúng tôi thu thập được thì chỉ từ ngày 6.2.2009 đến 16.2.2009, đã có gần 13.000 tấn than được chở đến nhà máy Tafico bằng 241 chuyến xe kéo container, xe chở hàng “siêu trường, siêu trọng”. Hầu hết số xe này có tải trọng từ 40 đến trên 60 tấn, một số xe có tải trọng trên 70 tấn, cá biệt có xe có tải trọng đến gần 75 tấn, một số khác có tải trọng từ 30 tấn trở xuống. Trong khi đó, 2 cây cầu trên đường 794 chỉ có tải trọng dưới 30 tấn! Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, qua tuần tra nắm tình hình, lực lượng Thanh tra Giao thông cho biết gần đây, có nhiều xe tải chở clinker từ nhà máy Tafico qua cầu Sài Gòn sang địa phận Bình Phước. Hầu hết các xe này đều có tải trọng trên 30 tấn.
“Chúng tôi vừa kết thúc đợt tuần tra xử lý tình trạng chở quá tải trọng ở khu vực cầu Sài Gòn. Lực lượng tham gia gồm Thanh tra Giao thông và CSGT tỉnh. Tuy nhiên, điều khó hiểu là những khi chúng tôi ra quân chốt chặn thì tuyệt nhiên không có xe tải nào có tải trọng lớn đi qua. Nhưng sau đó, khi chúng tôi rút đi thì nhận được tin báo cho biết là có nhiều xe container, xe tải chở hàng qua cầu Sài Gòn”, một cán bộ Thanh tra Giao thông nói.
@ Đường nát, cầu “run”
Tại khu vực cầu Sài Gòn, chúng tôi được người dân địa phương cho biết: Gần đây, để đáp ứng đủ vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công nhà máy Tafico, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe ben (vốn được xem là “hung thần xa lộ”) vượt sông Sài Gòn qua Bình Phước chở đất, đá, cát rồi quay ngược về Tân Châu… Theo ước tính của một cán bộ Thanh tra Giao thông, mỗi xe ben chở đá có tải trọng khoảng trên 25 tấn, chở đất và cát khoảng trên 20 tấn… Điều đáng nói ở đây là tải trọng tối đa của cầu Sài Gòn chỉ có… 13 tấn!
Thực tế cho thấy, đường 794 là tuyến giao thông rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho việc thông thương, vận chuyển hàng hoá từ Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM về Tân Châu và ngược lại. Tuy nhiên, mặt đường này khá hẹp (chỉ khoảng trên 5,5m) quá chật so với mật độ lưu thông ngày càng dày lên, nhiều đoạn dài không có lề đường để các phương tiện có thể lách tránh khi gặp sự cố. Đáng chú ý là từ chân cầu Sài Gòn trải dài khoảng 5 km về phía Tây Ninh, mặt đường nhiều nơi đã bị “cày” nát, lổn nhổn đất đá, nhấp nhô ổ gà ổ voi, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. “Một trong những nguyên nhân khiến đường hư hỏng nghiêm trọng là do tình trạng xe quá tải tung hoành trong thời gian qua”.
Ngày 2.2.2009, sau khi lực lượng tuần tra rút đi, chúng tôi có mặt tại chân cầu Sài Gòn lúc giữa trưa. Lúc này, ở đầu cầu thuộc địa phận Tây Ninh xuất hiện 4 chiếc xe ben mang biển số 70 “tập kết” ở một quán nước, chuẩn bị vượt sông sang Bình Phước chở vật liệu xây dựng. Một lúc sau, những xe này lần lượt lên đường. Khoảng 15 phút sau đó, chúng tôi cũng “chộp toàn cảnh” một xe kéo container cỡ 40 feet ì ạch gầm rú, nhả khói đen lên trời, bò qua cầu Sài Gòn. Một người “trong nghề” vận tải cho biết, xe này chở bột mì từ một nhà máy ở Tân Châu đi Bình Phước, ước lượng trọng tải của xe này khoảng trên 40 tấn.
Một đoạn đường 794 đã bị hư hỏng nghiêm trọng |
@ Cần sớm nâng cấp cầu, đường
Mới đây, bà Cao Thị Nhạn – Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh đã ký Văn bản số 61/SGTVT gởi Công ty cổ phần xi măng Fico -Tây Ninh về việc đề nghị sử dụng phương tiện vận chuyển hàng hoá đúng quy định.
Trước đó, ngày 22.6.2007 UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo số 912/UBND gởi Sở GTVT, Công an Tây Ninh, trong đó có nêu: “Xe kéo container 40 feet chở hàng phải được Sở GTVT cấp Giấy phép lưu hành xe quá khổ, quá tải theo đúng quy định của Bộ GTVT”. Bà Cao Thị Nhạn cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho Tafico vận chuyển hàng hoá từ nhà máy về cảng Bến Kéo và ngược lại, đầu tháng 11.2008, Sở GTVT đã có cuộc họp với các ngành có liên quan, lãnh
đạo Tafico và hai doanh nghiệp vận tải để lấy ý kiến báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho Tafico thực hiện đúng theo văn bản số 91
2/UBND ngày 22.6.2007. Hằng tháng, Tafico phải thông báo danh sách xe vận chuyển hàng cho Sở GTVT và Phòng CSGT Công an Tây Ninh để xem xét, phối hợp hỗ trợ. Thế nhưng đến nay, Sở GTVT và Công an Tây Ninh không nhận được danh sách các phương tiện vận chuyển cho nhà máy như đã thống nhất trước đó.
Theo thông tin từ Sở GTVT thì hiện ngành chức năng đã có kế hoạch nâng cấp đường 794 và nâng tải cầu Sài Gòn. Trước mắt, đoạn 5 km từ cầu Sài Gòn ngược về nhà máy Tafico sẽ được sửa chữa để phục vụ lưu thông, vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi lập kế hoạch, xin chủ trương, lập dự án, lập hồ sơ đấu thầu… đến ngày thi công nâng cấp mở rộng đường và nâng tải cầu Sài Gòn thì phải còn… hơi lâu.
Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hoá trên địa bàn Tân Châu là rất bức thiết. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, các cấp các ngành cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn Tân Châu. Mặt khác, để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, các ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc tuần tra, xử lý các phương tiện vận tải hàng hoá quá tải trọng quy định lưu thông trên đường, cầu.
HOÀNG THI