Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả
Chủ nhật: 15:52 ngày 18/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên địa bàn tỉnh có 18 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), hoạt động hỗ trợ các thành viên trong việc gửi tiền và vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của địa phương.

Khách hàng giao dịch tại QTDND Tân Hưng.

Hiệu quả từ dịch vụ chuyển tiền điện tử

Dịch vụ chuyển tiền điện tử (CF-eBank) của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã và đang trở nên quen thuộc với các thành viên của các QTDND trên địa bàn tỉnh, giúp các QTDND mở rộng thị trường, thu hút khách hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 9/18 QTDND tham gia liên kết với Ngân hàng Hợp tác xã thực hiện dịch vụ chuyển tiền, nhằm đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ của quỹ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Bà Phan Thị Kim Thoa- Giám đốc QTDND Tân Hưng cho biết, quỹ áp dụng dịch vụ CF- eBank liên ngân hàng từ ngày 11.1.2018. Ðến 31.3.2021, quỹ thực hiện 748 lệnh chuyển tiền với số tiền hơn 85 tỷ đồng, liên kết với Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Tây Ninh mở thẻ cho 54 khách hàng.

Theo bà Thoa, thời gian đầu, khách hàng chưa biết QTDND Tân Hưng có dịch vụ chuyển tiền điện tử nên ít tham gia. Nhờ công tác tuyên truyền, đến nay, đã có nhiều khách hàng biết đến dịch vụ. Ngoài ra, quỹ còn tiếp nhận yêu cầu mở thẻ ATM cho khách hàng, và có máy POS để khách hàng đến rút tiền mặt tại quỹ.

Từ ngày triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử CF-eBank, các thành viên của quỹ và người dân trên địa bàn không phải đi đến trung tâm huyện chuyển tiền; người dân có người nhà ở xa gửi tiền về nhận tại quỹ rất thuận tiện, đỡ tốn kém thời gian và chi phí đi lại.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến- Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Châu Thành cho biết, từ khi triển khai dịch vụ này, thành viên và bà con địa phương rất hài lòng. Từ năm 2020 đến nay, quỹ chuyển 146 lệnh chuyển với số tiền 6 tỷ đồng, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của thành viên.

Có thể nói, đối với những địa bàn vùng xa, chưa có nhiều dịch vụ ngân hàng, CF-eBank không chỉ giúp bà con thuận tiện chi trả các sinh hoạt phí mà còn tiết kiệm được thời gian đi lại, quá trình giao dịch, luân chuyển tiền trở nên an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tháo gỡ khó khăn để phát triển

Thời gian qua, QTDND khẳng định vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giúp các thành viên và người dân vay vốn làm ăn, xoá đói giảm nghèo… Tuy nhiên, các QTDND trên địa bàn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần được tháo gỡ để hoạt động hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến- Chủ tịch HÐQT QTDND Châu Thành cho biết, quỹ thành lập năm 2007, với số vốn điều lệ ban đầu 500 triệu đồng, có 30 thành viên tham gia. Sau 3 năm hoạt động hiệu quả, quỹ được UBND huyện giao quyền sử dụng đất để xây dựng phòng giao dịch.

Tuy nhiên, do diện tích hẹp, đơn vị bố trí các phòng kế toán, kho quỹ dưới đất; gác lửng là phòng tín dụng, ban kiểm soát, phòng lãnh đạo. Bà Yến cho biết thêm, Thư viện huyện Châu Thành đang xây dựng trụ sở mới, nếu được, UBND huyện cho QTDND thuê lại trụ sở Thư viện hoặc nơi khác để có mặt bằng rộng rãi hơn, có điều kiện phục vụ người dân được tốt hơn.

Thực hiện theo Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14.11.2019 về việc cắt giảm, thu hẹp địa bàn đối với hệ thống quỹ tín dụng, QTDND thị trấn Tân Châu tiến hành công tác thu hồi nợ (không cho vay lại) đối với toàn bộ dư nợ đến hạn tại 4 xã không liền kề.

Ðây là nhiệm vụ khó khăn đối với quỹ, phần lớn do tình hình sản xuất, kinh doanh của thành viên không thuận lợi; mặt khác, tâm lý e ngại của thành viên khi trả nợ và không được vay lại, nhiều thành viên đành chấp nhận lãi suất quá hạn để duy trì nguồn vốn ổn định kinh tế gia đình.

Có những ràng buộc gây khó cho hoạt động của quỹ tín dụng, như tiền gửi thành viên phải đạt 60%, nhưng những người gửi tiền lại không tham gia thành viên. Theo quy định của QTDND, người dân muốn trở thành thành viên quỹ để sử dụng dịch vụ thì phải góp vốn, đóng thuế thu nhập cá nhân 5% trên lợi tức vốn góp, trong khi lợi tức của họ không bao nhiêu, rất khó để vận động nhân dân tham gia QTDND.

Như vậy, việc giảm địa bàn, không cho vay lại đối với 4 xã không liền kề khiến cho quỹ không phát triển được thành viên và cho vay mới, dẫn đến dư nợ cuối năm 2019 từ 260 tỷ đồng, đến cuối năm 2020 giảm còn 171 tỷ đồng. Tổng nguồn quỹ cuối năm 2019, từ 300 tỷ đồng đến cuối năm 2020 giảm còn 224 tỷ đồng.

Khách hàng giao dịch tại QTDND Tân Hưng.

Từ những khó khăn trên, QTDND thị trấn Tân Châu kiến nghị tỉnh xem xét chấp thuận việc Ðại hội thành viên uỷ quyền cho HÐQT quỹ tín dụng xác lập tư cách thành viên và hoàn trả vốn góp cho thành viên; tạo điều kiện cho quỹ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như phát triển được thành viên và cho vay mới, làm tăng dư nợ và nguồn vốn của quỹ.

Tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác để giảm bớt khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động các QTDND, đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại chỗ, thu hút thêm thành viên mới, nhiều QTDND cho rằng, cần sửa đổi một số điều chưa hợp lý trong Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31.3.2015 của Thống đốc NHNN quy định về QTDND, như bỏ vốn góp thường niên, vì làm xáo trộn vốn điều lệ, thành viên ra - vào quỹ tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành một số thông tư hướng dẫn cụ thể nội dung của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật HTX chặt chẽ hơn, bảo đảm tính an toàn hệ thống. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương và QTDND cần điều chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, xử lý nợ xấu; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm minh bạch, công khai trong quản trị, điều hành.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
máy uốn ống Công Ty Dịch vụ kỹ thuật việt nam Vinatesco
Tin cùng chuyên mục