Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tư nè, hôm bữa xem trao Giải báo chí quốc gia trên VTV1, nghe xướng danh Báo Tây Ninh, Năm “Thời sự” tui giật cả mình. Hình như kể từ hồi giải phóng tới giờ, báo ông mới có tác phẩm đoạt giải tầm cỡ như vậy, lại được trao ngay vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, ý nghĩa quá trời!
- Cám ơn ông, âu đó cũng là “quả ngọt” mà anh em tụi tui nỗ lực “cày cấy” suốt mấy năm qua.
- Mà nghe đâu, cũng trong dịp 21.6, báo ông cũng đoạt giải cao ở Giải báo chí tỉnh Tây Ninh lần thứ 21 năm nay, trong đó có tác phẩm viết về các y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh?
- Ừ, đó là bài viết về sự hy sinh thầm lặng của những thầy thuốc bên trong Khu điều trị hồi sức Covid-19 (ICU). Họ là những người đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, luôn đặt mình phía sau để có thể kéo từng bệnh nhân trở lại cuộc sống một cách diệu kỳ.
- Vậy Tư có biết ngày 22.6 là ngày gì không? Thôi, để tui trả lời luôn, là ngày cách nay 52 năm, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28, để lại cuốn nhật ký đầy lửa, với quan điểm sống và lý tưởng: “…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí… để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (N.A.Ostrotsky).
Là thầy thuốc, ai cũng nhớ lời thề Hippocrates và lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”, trong phòng, chống dịch, họ kiên cường là vậy, nhưng tại sao vẫn có nhiều người xin rời khỏi bệnh viện công? Tại cuộc tiếp xúc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội khoá XV (đơn vị số 2, TP. Hồ Chí Minh, có cử tri đã nói:... Từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 1.400 cán bộ y tế cấp phường, xã, quận, huyện nghỉ việc, bỏ việc, chuyển sang ngành khác hoặc chuyển sang y tế tư nhân. Câu hỏi đặt ra là vì sao lúc nước sôi lửa bỏng, nguy hiểm khó khăn họ không rời nhiệm sở, mà khi dịch bệnh được kiểm soát họ lại nghỉ việc?”.
Đau hơn là khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều vị lãnh đạo ngành Y từ Trung ương đến địa phương bị tạm giam điều tra, truy tố vì dính líu đến vụ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh “thiên thần áo trắng”.
- Cán bộ ngành Y xin rời khỏi bệnh viện công là “vấn nạn” chung của cả nước, ở đâu cũng có, chủ yếu là do thu nhập, đời sống còn thấp.
- Vậy nên, báo chí mấy ông cần lên tiếng nhiều hơn nữa, để cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ về nhân sự, cơ sở vật chất, đặc biệt là chính sách đãi ngộ để củng cố, kiện toàn hệ thống y tế, đề phòng các đợt dịch lớn có thể tái diễn trong tương lai.
- Là việc phải làm mà!
- Làm thì làm ngay đi, chứ đơn thuần chỉ phản ánh về sự hy sinh của “những thiên thần áo trắng”, rồi những cống hiến đó, sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng thôi!
Đ.H.T