Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Để trồng mía có hiệu quả: Cần quản trị tốt chuỗi sản xuất
Thứ sáu: 07:38 ngày 04/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ đầu tháng 12.2021, nhiều nhà máy đường đã công bố giá thu mua mía vụ 2021- 2022. Với mức tăng lên đến hơn 20% so với vụ trước, giá mía tại bàn cân nhà máy có thể đạt 1.340.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, tiềm năng lợi nhuận mà cây mía mang lại vẫn còn hơn thế, nếu...

Giá mía rất quan trọng...

Như bao cây trồng khác, cây mía mang lại lợi nhuận cho người nông dân khi doanh thu từ việc bán mía cao hơn chi phí sản xuất. Trong những ngày vừa qua, mối quan tâm lớn nhất của nông dân chính là giá mía. Đặc thù sản phẩm sau cùng của ngành mía đường là một loại hàng hoá được mua bán trên các sàn giao dịch quốc tế. Giá đường chịu những quy định chặt chẽ bởi quy luật cung cầu, tác động bởi các nhân tố như thời tiết, giá dầu, dịch bệnh, logistics... ở quy mô toàn thế giới. Sự tăng, giảm sản lượng cung ứng hoặc thay đổi về nhu cầu của các quốc gia sẽ khiến giá đường biến động.

Vụ thu hoạch 2021-2022, theo đà phục hồi và bước vào chu kỳ đi lên của thị trường mía đường quốc tế, giá mua mía các nhà máy đã có sự cải thiện đáng kể. Tháng 12.2021, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà đã chính thức công bố bảng giá mía với mức cao nhất là 1.340.000 đồng/tấn và thấp nhất là 1.070.000 đồng/tấn mía sạch tại bàn cân nhà máy. Nhìn chung, so với vụ thu hoạch trước thì giá mía mà TTC Sugar đưa ra cho vụ 2021- 2022 này đã tăng khoảng 20%, và đây cũng là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại.

Với giá thu mua từ 1 triệu đồng/ tấn mía trở lên, người trồng mía sẽ có lợi nhuận tốt (nếu đáp ứng các yêu cầu về năng suất, chữ đường). Nếu được chăm sóc tốt và thu hoạch đúng độ tuổi, lợi nhuận từ cây mía năm nay khoảng 40 triệu đồng/ha. Xét ở phương diện tổng thể, lợi nhuận cây mía trong vụ thu hoạch năm nay khá hơn nhiều năm gần đây, đặc biệt là khi nhiều cây trồng khác bị thiệt hại nặng nề do sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong những tháng cao điểm do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giá thu mua mía là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận của người trồng mía. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả. Nếu nhìn một cách đầy đủ, sẽ có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của một nông dân trồng mía.

... nhưng hiệu quả từ việc quản trị sản xuất tốt là rất lớn

Lợi nhuận của một hộ nông dân được tính bằng công thức giá mua nhân với sản lượng sau đó trừ đi chi phí sản xuất. Vì vậy, bên cạnh giá mua mía từ nhà máy thì sản lượng và chi phí sản xuất chính là những yếu tố tiềm năng mà người nông dân có thể khai thác để gia tăng thu nhập.

Để có sản lượng cao, người trồng mía hoặc phải canh tác trên diện tích lớn, hoặc phải tăng năng suất, chữ đường trên mỗi héc-ta đất trồng. Đối với bài toán tăng diện tích, trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp có hạn, phương án đang được nhiều nông dân lựa chọn là thuê đất. Tại Tây Ninh, giá thuê đất nông nghiệp trung bình cho vụ trồng 2021-2022 vào khoảng 18- 25 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, doanh nghiệp thu mua mía trong tỉnh cũng có chính sách đầu tư ứng vốn thuê đất. Đây là sự tiếp sức rất thiết thực và hiệu quả, giúp nông dân có thêm nguồn lực để nhanh chóng tăng diện tích trồng mía trong vụ tới.

Không chỉ thuê đất với giá cố định, nông dân còn hợp tác sản xuất với những hộ có đất để cùng trồng mía. Thực tế cho thấy, vừa qua, một số nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã hợp tác với các đối tác bên phía Campuchia mở rộng diện tích trồng mía thêm hàng trăm héc-ta.

Để tăng năng suất cây mía, việc thâm canh là cần thiết. Bằng việc đầu tư thêm vốn để làm đất, tăng lượng phân bón, nước tưới, sử dụng các loại chế phẩm sinh học... người trồng mía có thể gia tăng năng suất, chữ đường vào cuối vụ. Theo kinh nghiệm của  nhiều nông dân, nếu bón phân đúng mức, cây mía có thể đạt năng suất trên 120 tấn/ha, tương đương cứ 1 triệu đồng đầu tư phân vô cơ, năng suất mía sẽ tăng lên khoảng 3-4 tấn. Theo các chuyên gia nông nghiệp của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà, sự khác biệt giữa mía có tưới và mía không tưới là rất lớn. Chỉ với chi phí khoảng 5 triệu đồng cho xăng dầu, tiền điện máy bơm và khấu hao, bảo trì hệ thống tưới, sản lượng mía thu về có thể tăng 20 tấn so với canh tác chỉ nhờ “nước trời”. Đến cuối vụ, nếu chấp nhận chi thêm khoảng 1 triệu đồng/ha cho việc phun chế phẩm tăng CCS bằng máy bay không người lái (drone), người nông dân sẽ thu về đến 5 triệu đồng nhờ chữ đường tăng thêm.

Lợi thế của cây mía so với một số cây trồng khác hiện nay là rất nhiều nhà máy đường có chính sách đầu tư vốn để người nông dân thâm canh. Với định mức 20 triệu đồng cho việc bổ sung vật tư và công chăm sóc, người trồng mía có thể “mượn sức” nhà máy để tăng năng suất 40-50 tấn/ha. Như vậy, dù phải bỏ thêm chi phí canh tác nhưng nếu làm đúng kỹ thuật, chi phí đó sẽ trở thành những khoản đầu tư sinh lợi rất tốt. Ngược lại, nếu người trồng mía lựa chọn sai hạng mục hoặc sai thời điểm đầu tư, hiệu quả trên đồng vốn sẽ không còn.

Trong bối cảnh giá phân bón vô cơ tăng cao, người trồng mía hoàn toàn có thể tính đến phương án sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và trồng xen cây họ đậu để vừa cung cấp dinh dưỡng cho đất, giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Theo kết quả thực nghiệm gần đây tại một số nông trường, ruộng mía, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng cho hiệu quả rất tốt. Cây mía phát triển mạnh không kém so với bón phân vô cơ. Đối với kỹ thuật xen canh cây họ đậu, mỗi héc-ta đậu xanh trồng có lượng đạm do vi khuẩn cố định được sẽ tạo ra trung bình 94kg/ha/vụ hoặc trường hợp thuận lợi có thể lên đến 168kg/ha/vụ, tương đương khoảng 200-570kg Urea cộng thêm 4-5 tấn hữu cơ cho đất, tương đương 13-16 triệu đồng nếu quy ra giá trị phân bón.

Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng cho đất bằng các giải pháp trên, người trồng mía còn có thể sử dụng các biện pháp sinh học để thay thế thuốc trừ sâu, trong đó có thể kể đến việc sử dụng thiên địch ong mắt đỏ để kiểm soát sâu đục thân. Với giải pháp này, nông dân có thể tiết kiệm được đến một nửa chi phí so với phun thuốc hoá học truyền thống, đồng thời giúp bảo vệ môi trường và sức khoẻ, phục hồi sự đa dạng sinh thái.

Riêng về vấn đề chi phí dịch vụ nông nghiệp, cơ giới hoá chính là lời giải. Khả năng sử dụng máy móc ở hầu như tất cả các khâu canh tác là lợi thế riêng của cây mía so với nhiều cây trồng khác. Việc cơ giới hoá không chỉ giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ công việc mà còn giải quyết vấn đề công lao động ngày càng khan hiếm, giúp tiết kiệm chi phí một cách rõ ràng, trực tiếp. Nếu như tiền thuê mỗi nhân công chặt mía là 300.000 đồng/ngày và năng suất tối đa đạt 1,5 tấn mía/ngày, cộng thêm chi phí tăng bo thì để thu hoạch 100 tấn mía, hộ trồng mía sẽ phải tốn khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu thu hoạch bằng cơ giới theo bảng giá dịch vụ các nhà máy thuộc TTC Sugar đưa ra thì đơn giá chỉ từ 166.000 - 175.000 đồng/tấn, tương đương với 16,6 - 17,5 triệu đồng cho 100 tấn mía. Con số này cho thấy người nông dân trồng mía có thể tiết kiệm đến 30% chi phí thu hoạch nhờ áp dụng cơ giới hoá.

Không những vậy, nếu canh tác diện tích lớn, nông dân có thể tận dụng chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư máy móc thiết bị của nhà máy đường để mua sắm máy kéo, nông cụ hoặc máy thu hoạch. Lấy giá dịch vụ làm đất hiện nay 7-9 triệu đồng/ ha làm cơ sở, thì với diện tích từ 50 ha, nông dân chỉ mất khoảng 3 vụ là thu hồi được vốn đầu tư 1 máy kéo 120 mã lực.

Kết hợp tất cả các giải pháp thâm canh hiện đại, cộng thêm kỹ năng quản lý đồng ruộng tốt thì người nông dân hoàn toàn có thể đạt năng suất tiềm năng trên 100 tấn mía/ha. Bằng việc giảm dần việc sử dụng phân hoá học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cải tạo sức khoẻ đất bằng sạ đậu, sử dụng phân hữu cơ khoáng, thả thiên địch ong mắt đỏ, kết hợp với phun các loại chế phẩm kích thích tăng trưởng, kích thích chữ đường thì tổng chi phí bỏ ra cho sản lượng trên chỉ rơi vào mức 50 triệu đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng/ha mía là hoàn toàn có thể.

Đối với những khu vực đất tốt, có nước tưới, năng suất mía có thể lên đến 120 tấn/ha thì lợi nhuận sẽ đạt đến con số 55-65 triệu đồng. Hơn nữa, lợi nhuận đến từ năng suất tốt và tối ưu chi phí sẽ giúp người nông dân bớt phụ thuộc vào giá mía.

A.L

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục