Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để xe buýt phát triển doanh nghiệp hoạt động xe buýt phải tự cứu mình
Chủ nhật: 17:15 ngày 12/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, tại các tỉnh, thành trong cả nước, mạng lưới hệ thống xe buýt cũng phát triển rộng rãi đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trong thời gian tới, ngành GTVT tỉnh sẽ có giải pháp để tăng thêm số lượng nhà chờ xe buýt tạo điều kiện cho xe buýt thuận lợi hơn trong khai thác.

CƠ SỞ HẠ TẦNG CỦA TỈNH ĐÃ THUẬN LỢI CHO PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG XE BUÝT

Theo ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), nhìn chung qua thời gian tỉnh tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển mở rộng mạng lưới xe buýt.

Hiện nay, Tây Ninh có 7 tuyến xe buýt đang hoạt động, nhưng hầu hết đều gặp khó khăn. Trước đây có một số tuyến xe buýt như: tuyến Hòa Thành – Biên Giới (Châu Thành), tuyến thành phố Tây Ninh – cửa khẩu Mộc Bài (Bến Cầu) hoạt động được 1 thời gian khá lâu nhưng sau đó xin ngưng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả. Cũng có một số tổ chức xin khai thác các tuyến: thành phố Tây Ninh – Dương Minh Châu; Hòa Thành – Dầu Tiếng (Bình Dương) nhưng chỉ được thời gian ngắn đã xin ngưng do không có hành khách.

Để vực dậy hoạt động xe buýt của tỉnh đang trong cơn “hấp hối”, tỉnh có chính sách hỗ trợ để các tổ chức kinh doanh xe buýt có điều kiện thay đổi phương tiện. Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Qua tra đổi với các tổ chức kinh doanh xe buýt trong tỉnh, các chủ xe đều hân hoan với chính sách hỗ trợ của tỉnh, bởi theo họ đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm hoạt động, xe buýt được tỉnh xem xét hỗ trợ để phát triển.

Xe buýt tuyến 702 chạy tuyến Hòa Thành – Cầu K13 – 784-782 – Củ Chi trực thuộc HTX xe buýt 19-5 ( thành phố Hồ Chí Minh) đã chủ động thay đổi phương tiện.

Tuy nhiên đại diện các tổ chức kinh doanh xe buýt, chủ xe vẫn còn boăn khoăn một số vấn đề như điều kiện thế nào để được vay vốn ưu đãi của tỉnh, thời hạn vay vốn…để họ tính toán cho việc thay đổi phương tiện. 

Ông Hoàng Sỹ Hoan- Chủ nhiệm HTX kinh doanh xe buýt mong muốn, bước đầu khi chuyển đổi phương tiện từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, cần có sự đồng hành của các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức tín dụng để việc thay đổi phương tiện thuận lợi.

Trụ sở của công ty cổ phần xe buýt Mộc Bài cũng rơi vào cảnh đìu hiu khi tuyến xe này dừng hoạt động.

CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG XE BUÝT PHẢI TỰ THAY ĐỔI

Có một số chủ xe còn băn khoăn với chính sách hỗ trợ thay đổi phương tiện của tỉnh do ngại thay đổi. Nhìn chung lý do mà các tổ chức kinh doanh xe buýt đưa ra như hiện nay lượng khách ít, ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, xe buýt phải cạnh tranh quyết liệt với phương tiện cá nhân, bởi hiện nay đa số người dân có xe mô tô, có người có xe ô tô nên ít người lựa chọn sử dụng phương tiện xe buýt….

Nhưng các chủ xe đều thừa nhận lý do chính dẫn đến xe buýt ở tỉnh thời gian qua không thu hút được người dân chính là cung cách phục vụ, lịch trình hoạt động - đây mới là lý do chính khiến hoạt động xe buýt ở tỉnh rơi vào cảnh “chợ chiều” như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở GTVT, các tổ chức kinh doanh xe buýt trong tỉnh phải tự thay đổi, vượt qua những khó khăn hiện tại, các chủ xe và tổ chức kinh doanh xe buýt cần có sự phối hợp cao trong việc thay đổi phương thức kinh doanh để quản lý việc kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm hài hòa cho các bên.

Các tổ chức kinh doanh xe buýt cần có những chế tài để hoạt động xe buýt công khai, minh bạch trong hoạt động. Với sự ủng hộ của tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương và các tổ chức tín dụng trong tỉnh thì việc thay đổi phương tiện xe buýt theo chủ trương của tỉnh sẽ hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành GTVT cũng sẽ đồng hành cùng các tổ chức xe buýt như vận động nguồn quảng cáo trên xe, xây dựng thêm nhiều nhà chờ xe buýt cho người dân…góp phần thay đổi bộ mặt xe buýt tỉnh nhà

Có ý kiến cho rằng, việc tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh doanh xe buýt, chủ xe thay đổi phương tiện thời điểm này là kịp thời để vực dậy loại hình hoạt động vận tải công công này đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Việc thay đổi phương tiện chỉ là một phần để xe buýt trở lại thời “hoàng kim” của mình, chính các tổ chức kinh doanh xe buýt, chủ xe buýt nếu muốn tồn tại với ngành nghề này thì phải tự nỗ lực vượt qua khó khăn, thay đổi chính mình chứ không thể đỗ lỗi cho những lý do khách quan bởi ở các tỉnh, thành khác nơi có hệ thống xe buýt hoạt động phát triển cũng có những khó khăn khách quan tương tự nhưng vẫn tồn tại, phát triển mạnh mẽ.

Thiếu nhà chờ xe buýt nên hành khách chờ đón tuyến xe buýt 702 trên đường Lý Thường Kiệt, thị xã Hòa Thành phải chấp nhận ngồi trên vỉa hè trong thời gian chờ xe đến.

Trong hoạt động kinh doanh nói chung, nếu doanh nghiệp không chịu thay đổi, nỗ lực vượt khó để vươn lên thì phải chấp nhận cảnh tự mình gây khó chính mình và tự rời khỏi, nhường “sân chơi” cho doanh nghiệp khác có đủ tiềm năng. Do vậy, các tổ chức kinh doanh xe buýt ở tỉnh phải tự mình nỗ lực là chính, đừng nên kêu khó rồi trông đợi sự hỗ trợ của tỉnh.

Để mở rộng mạng lưới hoạt động xe buýt đồng bộ, tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh doanh xe buýt và chủ xe mở các tuyến mới theo quy hoạch. Song song đó, Sở GD&ĐT sắp tới phối hợp Sở GTVT lập danh sách học sinh ở huyện về thành phố Tây Ninh học có nhu cầu đi xe buýt để nghiên cứu mở thêm tuyến phục vụ đối tượng này.

Khi đó chắc rằng, nhiều người dân quay lại sử dụng phương tiện xe buýt để đi lại – đây là những điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh xe buýt tham khảo, tự thay đổi chính mình để tồn tại và phát triển.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh

 Hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

1. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: Theo giá trị hợp đồng vay vốn đầu tư phương tiện khai thác tuyến tại tổ chức tín dụng.

2. Mức hỗ trợ lãi suất:

a) Đối với các tuyến xe buýt đang hoạt động (theo phụ lục đính kèm): hỗ trợ 70% lãi suất vay vốn theo giá trị hợp đồng vay vốn tại tổ chức tín dụng;

b) Đối với các tuyến xe buýt ngoài danh mục tuyến xe buýt đang hoạt động nêu tại điểm a khoản này được cơ quan có thẩm quyền công bố: hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn theo giá trị hợp đồng vay vốn tại tổ chức tín dụng.

3. Thời gian hỗ trợ lãi suất vay vốn: Theo thời gian vay vốn thực tế của từng khoản vay nhưng không quá 5 (năm) năm. Thời điểm bắt đầu hỗ trợ lãi suất vay vốn tính từ ngày chủ dự án đưa phương tiện vào hoạt động tuyến xe buýt.

Tấn Hưng

data:
Cơ sở thu mua sắt phế liệu Hòa Bình
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục