Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Học phí năm học 2023 - 2024:
Đề xuất áp dụng mức cũ
Thứ năm: 07:49 ngày 11/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Học sinh THPT

Ngày 31.12.2023, Chính phủ ban hành Nghị định 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Sửa đổi, bổ sung một số điều

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Nghị định 97 quy định như sau: Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức trần học phí tối đa bằng mức trần học phí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 81. Điều 9 của Nghị định 81 quy định mức học phí theo địa bàn cư trú gồm thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mức học phí quy định tại Điều 9 trong Nghị định 81, tuỳ cấp học, bậc học, thấp nhất 50 ngàn đồng/tháng và cao nhất 650 ngàn đồng/tháng.

Nghị định 97 bổ sung khoản 3, Điều 28 về mức trần giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông từ năm học 2023-2024 như sau: Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: tối đa bằng mức học phí quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 81. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: tối đa bằng mức học phí quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định 81. Theo quy định vừa nêu, khung học phí từ năm học 2023-2024 trở đi cụ thể như sau:

Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Căn cứ khung học phí quy định tại điểm a khoản này, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.

Ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao, căn cứ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định khung học phí hoặc mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (gồm cả cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu thành lập) trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đồng thời phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn. Đối với các loại hình giáo dục thường xuyên khác, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt mức thu cụ thể phù hợp với từng loại hình đào tạo và điều kiện thực tế của từng địa bàn.

Nghị định 97 quy định điều khoản chuyển tiếp: Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, trường hợp HĐND các tỉnh và các cơ sở giáo dục đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP tăng so với năm học 2021-2022 thì ngân sách địa phương bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Trường hợp HĐND các tỉnh và các cơ sở giáo dục đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 (theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP) tăng so với năm học 2021-2022 nhưng ngân sách địa phương không bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định của nghị định này.

Tây Ninh có thể thu học phí mức cũ

Tại Tây Ninh, theo thông tin mới nhất, ngành Giáo dục đang trình UBND tỉnh xem xét quyết định thu học phí học kỳ 2, năm học 2023-2024 theo tinh thần Nghị định 86 năm 2015. Căn cứ Nghị định 86, ngày 9.12.2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45 “quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II, năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Sau khi có Nghị quyết 45, ngày 29.12.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73 “về việc quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Quyết định 73 chia học phí thành bốn mức, cụ thể như sau: học sinh mầm non từ 30.000 - 60.000 đồng/tháng; học sinh trung học cơ sở từ 35.000 - 65.000 đồng/tháng; học sinh trung học phổ thông từ 40.000 - 70.000 đồng/tháng.

Mức học phí này áp dụng đến hết năm học 2020-2021, từ năm học 2021-2022 trở đi thu theo mức mới quy định trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ. Hầu hết HĐND các tỉnh, thành trong toàn quốc đã xây dựng xong mức thu học phí cũng như các chế độ miễn, giảm, hỗ trợ học tập theo Nghị định 81. Nhưng, cho đến nay, Nghị định 81 chẳng những chưa được áp dụng mà còn phải sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 97.

Dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống người dân đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, là nguyên nhân chính khiến cho chế độ học phí mới theo Nghị định 81 chưa triển khai trên thực tế. Thông tin cho biết, để giảm phần nào khó khăn cho người dân, học sinh, cơ quan chức năng đề xuất cấp có thẩm quyền áp dụng chế độ học phí theo Nghị quyết 45 năm 2016 của HĐND tỉnh.

Như trình bày phần trên, theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh và Quyết định 73 của UBND tỉnh, mức học phí thấp nhất 30.000 đồng và cao nhất chỉ 70.000 đồng/tháng, tuỳ cấp học, bậc học và địa bàn cư trú. So với quy định mới, mức thu này thấp hơn nhiều lần.

Cần nhắc lại, ngày 9.12.2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập (có hiệu lực từ ngày 20.12.2021). Theo Nghị quyết 13, đối với giáo dục mầm non, phổ thông (trừ học sinh tiểu học) và giáo dục thường xuyên, học phí mỗi tháng 300.000 đồng.

Học sinh vùng nông thôn, học sinh mầm non, THCS 100.000 đồng/tháng, riêng học sinh THPT 200.000 đồng tháng. Mức thu học phí này căn cứ quy định tại Nghị định 81 ngày 27.8.2021 của Chính phủ. Mặc dù Tây Ninh áp giá thấp nhất so với mức trần của Nghị định 81 nhưng so với quy định trước đó, mức học phí (tuỳ cấp học, khu vực cư trú của học sinh) tăng rất mạnh.

Tháng 7.2023, tại kỳ họp thứ 8, HĐND khoá X thông qua Nghị quyết 52 quy định, kể từ năm học 2023-2024, mức học phí mới áp dụng đối với học sinh mầm non, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên cao nhất 300.000 đồng/tháng.

Nếu đề xuất thu theo mức cũ (từ 30.000 - 70.000 đồng/tháng theo tinh thần Nghị định 86 của Chính phủ và Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh năm 2016) được áp dụng cho học kỳ 2, năm học 2023-2024, người dân sẽ bớt khó khăn.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh