Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề xuất Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông
Thứ năm: 15:32 ngày 08/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư ban hành quy định Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, đánh giá, xếp loại hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn.

Ảnh minh họa

Quy định này áp dụng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: Trường tiểu học; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học; trường trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; trường trung học phổ thông; trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; trường phổ thông có nhiều cấp học, trường dự bị đại học (gọi chung là trường phổ thông).

Việc quy định Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của hiệu trưởng trường phổ thông, làm căn cứ để: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo dự thảo, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn:

Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Hiệu trưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực. Tiêu chuẩn này gồm 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học: Hiệu trưởng vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường; sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường. Tiêu chuẩn này gồm 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 3. Năng lực quản trị nhà trường: Hiệu trưởng điều hành các hoạt động của nhà trường có kế hoạch, quy trình thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả. Tiêu chuẩn này gồm 8 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 4. Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ: Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững. Tiêu chuẩn này gồm 2 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 5. Năng lực phát triển quan hệ xã hội: Hiệu trưởng tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong giáo dục học sinh, phát triển nhà trường và cộng đồng. Tiêu chuẩn này gồm 5 tiêu chí.

Về phương pháp đánh giá, xếp loại, dự thảo nêu rõ, đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn sử dụng các nguồn thông tin sau: Ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng (có hồ sơ minh chứng); ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng; ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp.

Đánh giá, xếp loại hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn được thực hiện thông qua việc đánh giá từng tiêu chí và xem xét các minh chứng liên quan. Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, sẽ xếp loại chung theo các bậc: Tốt, khá, đạt, không đạt.

Việc tự đánh giá đối với mỗi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được thực hiện 01 lần/năm học (gắn với xây dựng kế hoạch học tập bồi dưỡng thường xuyên hằng năm của cá nhân).

Cơ quan cấp trên đánh giá: 3 năm đánh giá 1 lần (đánh giá giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ hiệu trưởng).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nguồn chinhphu

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục