Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chính phủ đề xuất cơ chế đặc biệt để huy động nhân lực tham gia phòng chống dịch (tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19).
Chiều 8-12, tại phiên họp thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tờ trình của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách, tập trung vào bốn nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược và trang thiết bị y tế.
Liên quan đến các chính sách cụ thể, đáng chú ý, theo đó ba đối tượng được tham gia phòng chống dịch khi dịch COVID-19 “đe dọa nghiêm trọng” đến tính mạng, sức khỏe con người.
Cụ thể gồm: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19, kể cả trường hợp việc khám bệnh, chữa bệnh khác với phạm vi hành nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được thành lập hoặc giao nhiệm vụ thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 mà không cần phải có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.
Sinh viên, học sinh, đối tượng đào tạo sau đại học của các trường thuộc khối ngành sức khỏe, người đã đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp tham gia hoạt động tiêm chủng phòng COVID-19 và hỗ trợ thực hiện một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19.
Lý giải về đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát tại các địa phương, do năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và cả năng lực điều trị tại chỗ đều hạn chế, các địa phương và Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Nhân lực được huy động gồm các bác sĩ ở tất cả chuyên ngành, trong đó có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng phòng COVID-19, chăm sóc người bệnh COVID-19...
“Các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh” - ông Long nói.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với ba đối tượng được đề xuất nêu trên. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng việc khám chữa bệnh tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Để đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong quản lý, ủy ban này đề nghị Chính phủ làm rõ, bổ sung quy định chủ thể quyết định hoặc cho phép các đối tượng tham gia cũng như chủ thể chịu trách nhiệm khi người được huy động tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục huy động, điều động, phân công, trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19; trách nhiệm phối hợp giữa cơ sở điều động nhân lực và cơ sở tiếp nhận, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Ngoài ra, bà Thúy Anh cho hay có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định giao UBND các tỉnh, TP tham gia quá trình điều động tham gia phòng chống dịch.•
Chế độ cho người tham gia phòng chống dịch bị nhiễm hoặc phải cách ly
Một nội dung đáng chú ý khác, Chính phủ cũng đề xuất chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, trường hợp người tham gia phòng chống dịch COVID-19 phải điều trị do bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tham gia phòng chống dịch COVID-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19:
1. Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ BHXH chi trả theo quy định của pháp luật về BHXH và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại.
2. Được hưởng các chế độ phòng chống dịch COVID-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19.
Nguồn PLO