Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề xuất lắp thiết bị giám sát hành trình vào xe máy có khả thi?
Thứ bảy: 10:55 ngày 18/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện chưa thấy nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Việt Nam đưa quy định này vào Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ liệu có khả thi?

Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã bổ sung thêm quy định về điều kiện đối với xe cơ giới và xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ. 

Cụ thể, tại Điều 33 quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng giải thích xe cơ giới gồm: ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông thông minh.

Theo cơ quan soạn thảo, cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác, nhằm mục đích điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và phòng chống tội phạm. 

Hàng chục triệu xe máy được đề xuất lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (Ảnh minh hoạ: Đình Hiếu) 

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến giữa tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. 

Điều này dấy lên băn khoăn nếu dự luật được thông qua thì hàng chục triệu xe máy cũng phải gắn thiết bị giám sát hành trình. 

Trao đổi với PV VietNamNet về quy định này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ. 

Bởi hiện nay mới chỉ quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với ô tô kinh doanh vận tải (tại Điều 14, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô). Xe gia đình, xe của các công ty xí nghiệp vận chuyển hàng trong nội bộ, xe vận chuyển vật liệu ở các công trình… chưa phải lắp thiết bị giám sát hành trình. 

“Hiện cả nước có hơn 6 triệu xe ô tô thì mới có khoảng 1 triệu xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Với tổng số hơn 1/6 số lượng ô tô đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà việc tích hợp dữ liệu, sử dụng dữ liệu trong công tác quản lý thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập như: chậm thông báo xe chạy quá tốc độ, đường truyền gián đoạn…Chúng ta mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng của dữ liệu này mà chưa khai thác tối đa. Do đó với hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy mà phải lắp thiết bị giám sát hành trình là cả vấn đề ”, ông Quyền nói. 

Ông Nguyễn Văn Quyền 

Với ô tô, thiết bị giám sát hành trình được lắp trong cabin kín nhưng với xe máy thiết bị sẽ phải lắp ở bên ngoài. Ông Quyền lo ngại thời tiết khắc nghiệt như ở Việt Nam liệu các thiết bị đó có đảm bảo?  

Chưa kể, với dữ liệu khổng lồ từ hơn 70 triệu xe máy vận hành hàng ngày dồn về, việc xử lý sẽ được thực hiện ra sao?. Chi phí cho việc lắp đặt, vận hành quản lý cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện như thế nào?

Hiện 1 triệu xe kinh doanh vận tải đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng vấn đề đang đặt ra là phải nâng cấp phần cứng đủ mạnh, phần mềm đủ thông minh để phục vụ hữu hiệu cho quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu. Do đó, ông Quyền cho rằng, cơ quan chức năng nên tập trung trọng tâm, trọng điểm vào nhóm xe này trước. 

“Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nếu cơ quan soạn thảo mở rộng đối tượng phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình tôi cho rằng phải có đề án nghiên cứu đánh giá tác động. Cụ thể ở đây là tác động đối với việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe máy.”, ông Quyền nói. 

Trước mắt, ông Quyền kiến nghị nên rút quy định này khỏi luật. Thay vào đó nên giao cho Chính phủ xây dựng lộ trình chứ không nên “chốt cứng trong luật”.

Chung quan điểm này, theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, quy định này không khả thi.  Ông cho rằng cơ quan soạn thảo dự án Luật nên tính đến tính đến tác động của điều luật khi ban hành. 

Theo ông Tạo, đây là đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần làm rõ việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập được sao cho hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cơ quan chức năng nên có khảo sát, thí điểm vận hành quy trình quản lý để bảo đảm tính khả thi và không gây lãng phí, tốn kém cho chủ phương tiện.

Nguồn vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục