Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Quốc phòng đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ; quy định cụ thể về việc xuất, nhập qua lối biên giới nhằm khắc phục, hạn chế những bất cập, tồn tại trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá hiện nay.

Tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Bộ Quốc phòng đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ; quy định cụ thể về việc xuất, nhập qua lối biên giới nhằm khắc phục, hạn chế những bất cập, tồn tại trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá hiện nay.
Tại Nghị định 32/2005/NĐ-CP hiện đang được áp dụng, cửa khẩu chính được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam và nước láng giềng xuất, nhập qua biên giới quốc gia. Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện, hàng hoá Việt Nam và nước láng giềng ở khu vực biên giới, vùng biên giới qua lại biên giới quốc gia.
![]() |
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Ảnh minh hoạ |
Tại dự thảo, quy định này được đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng được xuất, nhập qua từng loại cửa khẩu.
Cụ thể, đối với cửa khẩu chính: Đối tượng được xuất, nhập là người, phương tiện của Việt Nam và nước láng giềng; không hạn chế đối tượng hàng hóa xuất, nhập (không phân biệt hàng hóa của Việt Nam, nước láng giềng hay nước thứ 3).
Đối với cửa khẩu phụ, mở rộng đối tượng xuất nhập qua cửa khẩu phụ là người, phương tiện thuộc tỉnh biên giới; không hạn chế đối tượng hàng hóa xuất, nhập (không phân biệt hàng hóa của Việt Nam, nước láng giềng hay nước thứ 3 – đi kèm những quy định yêu cầu đảm bảo về quản lý nhà nước và cơ sở hạ tầng).
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đề xuất đưa vào quy định về lối mở biên giới. Cụ thể, lối mở biên giới được mở cho cư dân khu vực biên giới hai bên xuất, nhập cảnh và phương tiện, hàng hoá, vật phẩm xuất, nhập qua biên giới quốc gia.
Tạo thuận lợi cho việc xuất nhập qua cửa khẩu biên giới đất liền
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay có 89 cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới đất liền, về cơ bản mỗi huyện, thị biên giới đều có cửa khẩu phụ. Hiện nay công dân cư trú tại tỉnh biên giới nhưng ngoài xã, phường, thị trấn biên giới, muốn xuất, nhập sang nước đối diện phải đi qua cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế. Song số lượng cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính không nhiều, phân bố không đều, chủ yếu tập trung trên các trục giao thông chính nối liền với trung tâm tỉnh lỵ. Đối với người cư trú tại các địa điểm xa trung tâm tỉnh lỵ, việc xuất nhập cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện giao thông miền núi, biên giới chưa phát triển như hiện nay.
Do vậy, việc đề xuất quy định cho phép công dân thuộc tỉnh biên giới hai bên được xuất nhập cảnh qua cửa khẩu phụ sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động qua lại biên giới của nhân dân hai bên, thúc đẩy các hoạt động giao thương biên giới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh biên giới đất liền.
Bên cạnh đó, với 89 cửa khẩu phụ trải dài trên các tuyến biên giới đất liền hiện nay, việc quy định chỉ cho phép hàng hoá cư dân biên giới xuất, nhập là một thiệt thòi, hạn chế lớn trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Khu vực biên giới đất liền nhìn chung điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển so với các khu vực khác của cả nước, hoạt động sản xuất hàng hóa trong khu vực biên giới còn rất hạn chế, hàng hóa cư dân biên giới xuất nhập qua cửa khẩu phụ hầu như không đáng kể, giá trị không cao, hoạt động thương mại chủ yếu là trao đổi, mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của cư dân biên giới…
Việc quy định cho phép mở rộng đối tượng xuất nhập qua cửa khẩu chính, phụ sẽ kéo theo lưu lượng và đối tượng qua lại các loại cửa khẩu này gia tăng, tác động trở lại đối với kinh tế-xã hội khu vực biên giới như: hạ tầng cơ sở khu vực biên giới được đầu tư xây dựng, nhất là đường giao thông, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới, đẩy mạnh quá trình giao lưu văn hóa xã hội, góp phần nâng cao trình độ dân trí…
Theo Bộ Quốc phòng, quy định cụ thể, thống nhất hoạt động qua lại biên giới tại lối mở, điểm thông quan hàng hóa biên giới sẽ tác động mạnh mẽ theo hướng tích cực, tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập qua cửa khẩu biên giới đất liền, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước mở rộng quan hệ hợp tác quôc tế hiện nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, vùng biên giới nói riêng và các vùng miền cả nước nói chung.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.
(Theo Chinhphu.vn)