Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đề xuất quản lý nhân khẩu cư trú bằng mã số định danh cá nhân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy
Chủ nhật: 18:37 ngày 23/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Công an đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo lần 2 sửa đổi Luật Cư trú, trong đó đề xuất bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú trên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng hình thức quản lý qua mã số định danh cá nhân và cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú (sổ hộ khẩu điện tử).

Sổ hộ khẩu hiện nay có giá trị xác định nơi thường trú (theo khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú số 81/2006/QH11). Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa 24 tháng (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2006 sửa đổi 2013).

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Cư trú năm 2020, Bộ Công an đề xuất theo hướng của Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa điểm thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.

Sổ hộ khẩu giấy.

Theo Tờ trình Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) Bộ Công an trình Chính phủ, Bộ Công an cho biết, sổ hộ khẩu điện tử là cách thức quản lý thường trú của công dân trên mạng điện tử thông qua hệ thống phần mềm và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú, bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay…

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương 41 điều, quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Từ Chương II đến Chương VI của dự thảo Luật đã quy định rõ về Quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng; trách nhiệm quản lý cư trú. Trong đó, dự thảo Luật bổ sung, lược bỏ một số quyền để phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và hình thức quản lý cư trú mới.

Công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình; được yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình…

Trao đổi về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Tuấn Dương, cán bộ phụ trách hộ khẩu Công an phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Việc số hóa sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm chi phí quản lý, tránh thủ tục hành chính rườm rà khi phải đến tận trụ sở công quyền để làm việc và bảo đảm người dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, mà không phụ thuộc vào hộ khẩu…

Dự thảo lần 2 sửa đổi Luật Cư trú đã chỉnh lý, quy định rõ các trường hợp cần khai báo tạm vắng và các hành vi nghiêm cầm, những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, như:

1. Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người được tha thù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

2. Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 03 tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

3. Công dân đi khỏi địa bàn xã thuộc huyện hoặc quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố nơi cư trú từ trên 12 tháng thì phải khai báo tạm vắng.

Các hành vi bị nghiêm cấm quy định rõ tại Điều 7 của dự thảo Luật:

1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

2. Lạm dụng thông tin về nơi thường trú, tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

3. Đưa, nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.

5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú.

6. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.

7. Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

8. Sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú, tạm trú.

9. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

10. Giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

11. Đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh