Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đề xuất thay đổi cách tính lương hưu và mức đóng BHXH
Thứ tư: 09:01 ngày 22/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự thảo Luật BHXH đã điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và cách tính lương hưu.

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa gửi tới Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thay đổi căn cứ tiền lương đóng BHXH và cách tính lương hưu.

Các khoản nào phải đóng BHXH?

Theo dự thảo Luật BHXH, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH ở khu vực Nhà nước gồm: tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Cạnh đó, dự luật giao cho Chính phủ quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với các trường hợp sau: Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Còn đối với khu vực doanh nghiệp, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Tới đây sẽ thay đổi cách tính lương hưu đối với khu vực Nhà nước. Ảnh minh họa: V.LONG

Trường hợp người lao động ngừng việc nhưng vẫn hưởng tiền lương, mà tiền lương bằng hoặc cao hơn mức căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (1,265 triệu đồng) thì đóng theo mức tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Thêm vào đó, dự luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết các khoản phải đóng BHXH của người lao động khu vực doanh nghiệp và việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo BHXH đối với người lao động, người sử dụng lao động.

Thay đổi căn bản căn cứ mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện

Dự luật cũng quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất (khoảng 2,34 triệu đồng/tháng, tương ứng lương cao nhất vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng) và cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất.

Với người tham gia BHXH tự nguyện, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng theo vùng thấp nhất (1,265 triệu đồng) và cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất do Chính phủ công bố được áp dụng tại thời điểm đóng.

Bộ LĐ-TB&XH cho hay, theo quy định hiện hành, căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn thường được Thủ tướng, Chính phủ công bố theo giai đoạn 5 năm. Chẳng hạn, chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 tăng gấp hơn 2 lần so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 (từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng).

"Việc quy định thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất gắn với mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn như hiện nay có điểm hạn chế, đó là mỗi khi thay đổi thì sẽ thay đổi với mức độ rất lớn. Điều này dẫn đến ảnh hưởng rất nhiều đến mức đóng BHXH tự nguyện…”- Bộ LĐ-TB&XH lý giải thêm.

Mức lương hưu được tính như thế nào ?

Theo dự thảo luật BHXH, mức lương hưu của khu vực doanh nghiệp được tính như sau: Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Tức là quy định này không thay đổi so với luật hiện hành.

Với khu vực Nhà nước, hiện đang tính lương hưu căn cứ vào những năm cuối trước khi nghỉ hưu. Theo cơ quan soạn thảo, nếu vẫn giữ quy định hiện nay sẽ dẫn đến chênh lệch lương hưu rất lớn giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới.

Vì vậy, BHXH Việt Nam từng đề xuất sửa luật theo hướng: Từ ngày 1-7-2024, tiền lương để tính lương hưu của khu vực Nhà nước không còn tính theo 5-7 năm cuối trước nghỉ hưu, mà sẽ tính toàn bộ quá trình đóng như khu vực tư nhân hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo luật, các cơ quan thẩm tra đánh giá “một số đề xuất chưa được cấp có thẩm quyền có ý kiến, một số vấn đề đã được báo cáo nhưng chưa được giải trình thấu đáo…”.

Theo đó, dự luật giao cho Chính phủ quy định việc tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, dự luật cũng quy định người lao động vừa có thời gian đóng BHXH khu vực Nhà nước vừa có thời gian đóng BHXH khu vực doanh nghiệp thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian…

Tại sao không đóng BHXH trên tổng thu nhập?

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, có ý kiến đề nghị làm rõ tại sao vẫn giữ đóng BHXH theo lương mà không đóng trên tổng thu nhập. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định căn cứ đóng BHXH là tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định căn cứ đóng BHXH trên tổng thu nhập của người lao động.

Về vấn đề trên, dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến kỳ họp thứ 7 nêu rõ: Phương thức thực hiện của BHXH là đóng góp hằng tháng, đóng trong thời gian dài tích luỹ để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài khi về già nên cần sự ổn định, thường xuyên, liên tục.

Việc tham gia và đóng BHXH bắt buộc liên quan không chỉ đến trách nhiệm của người lao động, mà cả trách nhiệm đóng góp của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp. Bộ luật Lao động quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục