Công nghệ   Ô tô - Xe máy

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đề xuất xe Grab và Uber phải gắn phù hiệu như taxi 

Cập nhật ngày: 14/02/2017 - 19:27

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã đưa ra dự thảo Quy định điều chỉnh hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn để lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức liên quan.

Các ý kiến đóng góp về vấn đề này được yêu cầu gửi về Sở GTVT Hà Nội trước ngày 20/2 để đơn vị này tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, đối với ô tô hợp đồng chở khách tham quan, du lịch là loại xe yêu cầu phải có phù hiệu, biển hiện theo quy định; ô tô đưa đón cán bộ công nhân viên của cơ quan, đơn vị, ô tô chở học sinh, sinh viên của trường phải có phù hiệu do Sở GTVT Hà Nội cấp.

Đối với ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ bao gồm Uber, GrabTaxi là loại hình vận tải yêu cầu phải có phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật đối với loại hình này.

Ngoài ra, Uber và GrabTaxi cũng phải tuân thủ các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông như taxi để đảm bảo giao thông, giảm ùn tắc của Thành phố.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời về Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam.

Bộ GTVT cho rằng, việc ủy quyền của Công ty Uber BV (công ty mẹ tại Hà Lan) cho Uber VN tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24 của Bộ GTVT ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là chưa phù hợp.

Thời gian qua, Sở GTVT TP HCM và Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều xe hợp đồng, ô tô cá nhân (không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu) sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải hành khách (chở khách có thu tiền) không đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, một báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM về việc chấp hành pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 9 doanh nghiệp hoạt động vận tải (đơn vị đối tác sử dụng phần mềm Uber) trên địa bàn TPHCM hé lộ cách thức lách luật của Uber với các đối tác Việt Nam.

Cụ thể, điều khoản chung đối với các xe sử dụng dịch vụ Uber khi vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng là giá cước được tính theo giá do Uber quy định và được tính toán trên hệ thống của Uber (công ty chỉ cho thuê xe và không định giá cước).

Tổng số tiền mà hành khách phải trả chỉ được biết khi xe kết thúc hành trình (như đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi). Xe hoạt động không có hợp đồng vận tải và hành khách không được đàm phán giá cước trước khi thực hiện hành trình.

Uber sẽ thực hiện kết nối với hành khách đi xe và điều hành lái xe của công ty để thực hiện vận chuyển hành khách thông qua hệ thống phần mềm Uber và thu tiền cước của hành khách thông qua tài khoản của Uber.

Việc quyết toán theo hợp đồng được thực hiện thanh toán theo hàng tháng chuyển qua tài khoản của công ty tại ngân hàng và công ty sẽ xuất hóa đơn cho Uber với nội dung cước vận chuyển.

Khiếu nại của khách hàng do Uber tiếp nhận và giải quyết qua phần mềm. Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp đối tác không được Uber kí hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng.

Trách nhiệm của công ty đối với lái xe và xe cho công ty Uber thuê trong trường hợp xảy ra tai nạn sẽ do phía công ty chịu trách nhiệm, Uber không chịu trách nhiệm. Phía đối tác Việt Nam phải có nghĩa vụ đóng các loại thuế theo quy định.

Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của đề án để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.

Nguồn NDH