BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến Cổ Quán tìm lại nét xưa

Cập nhật ngày: 30/10/2011 - 11:17

Cái tên gọi “Cổ Quán” dễ gợi trí tò mò cho nhiều người. Thế nhưng, khi đã đến đây, mọi người, nhất là những người đứng tuổi chắc đều có ấn tượng đặc biệt.

Đó chỉ là một quán cà phê nhưng nó khác hẳn với những quán cà phê khác. Quán nằm trên địa bàn xã Ninh Thạnh (thị xã Tây Ninh) với một không gian riêng, tĩnh lặng, phảng phất hình bóng của một thời đã chìm vào quá khứ xa xăm. Từ đường Điện Biên Phủ, rẽ vào một xóm dân lao động chừng vài trăm mét, ta sẽ thấy cổng quán hiện lên với hai trụ đá cao. Dưới những bóng cây xanh râm mát, hầu như tất cả các loại hoa, cây cỏ, các vật dụng trưng bày đều mang nét cổ xưa. Có hồ cá, có dòng suối uốn quanh, những khối đá trơ vơ, có cả tiếng chim hót say sưa. Chim ở đây được nuôi trong không gian tự do, chứ không bị giam hãm trong lồng. Sân quán chỉ là một khoản diện tích hẹp nhưng thơ và tĩnh lặng- một cốt cách hoàn toàn tách biệt với không khí ồn ã ngoài đường phố. Đi vào ngôi nhà chính có kiến trúc cổ kính, kết cấu xây dựng chủ yếu là gỗ và xi măng, mái lợp ngói cứ ngỡ đó là một viện bảo tàng thu nhỏ với bàn thờ gia tiên, với bộ tràng kỷ, những bức hoành phi, những tủ gỗ to trưng bày các loại cổ vật sành sứ, chén, dĩa, đồng hồ có tuổi thọ hàng trăm năm, các loại tiền cũ, các loại đĩa hát, băng từ, đèn dầu lửa, chum, nồi đồng… Trên trần nhà là những chiếc đèn măng xông nay đã trở nên hiếm thấy. Buổi tối ánh đèn sáng lên một màu xanh dìu dịu.

Cổ Quán tại xã Ninh Thạnh

Bàn ghế dùng cho việc tiếp khách cũng đậm chất cổ xưa. Quán cũng trưng bày những chiếc xe đạp, xe gắn máy thịnh hành từ thập niên 60 về trước.

Bước vào nhà, nhìn lên trần ta còn thấy có hai bảng chữ Hán thếp vàng đập vào mắt. Mỗi bảng gồm ba chữ Hán to: “Phúc mãn đường” và “Lưu đức nghiệp” thể hiện một nếp sống lễ giáo, gia phong của các thế hệ từng sống ở đây.

Ghé quán uống tách cà phê nồng nàn hương vị nguyên chất, khách còn được “tráng miệng” bằng những chung trà Bắc nóng thơm. Giữa không khí yên ả ấy, khách có dịp thả hồn theo những giai điệu dìu dặt, êm ái của những tình khúc vượt thời gian, xa xưa và cuốn hút.

Có một bất ngờ khác, bất ngờ rất thú vị là khi tôi gặp người chủ quán. Trước khi đến đây, tôi cứ ngỡ chủ quán chắc là một ông cụ vậy mà đối diện với tôi lại là một chàng trai trẻ. Anh là Dương Thanh Hùng Vân tuổi chỉ mới ba mươi ngoài, anh hào hứng nói về quán cà phê đặc biệt của mình: “Sở dĩ quán mang tên là Cổ Quán là vì mỗi vật ở đây đều mang chất cổ xưa như các anh, chị đã thấy. Nó hoàn toàn không giống với các quán ồn ào nhạc trẻ. Đây là không gian để khách vừa được thư giãn vừa có dịp tìm hiểu những cổ vật quý hiếm”.

Anh chủ quán trẻ còn cho biết thêm hiện nay tại Cổ Quán đã có hàng ngàn cổ vật quý, đó là công sức cả quá trình tìm tòi, sưu tập ròng rã suốt 10 năm trên khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây đến tận miền Trung đất nước.

PHAN KỶ SỬU