Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến cuối tháng 4.2009 tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh là 1.954 tỷ đồng với hơn 21.700 khách hàng vay. Trong đó có gần 1.837 tỷ đồng dư nợ cho vay ngắn hạn và khoảng 80 tỷ đồng dư nợ cho vay trung và dài hạn.
Ngày 23.1.2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg về về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Ngày 4.4.2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm Quyết định số 443/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất- kinh doanh. Theo con số thống kê của NHNN tỉnh, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn, cùng sau gần 1 tháng triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn cho thấy chính sách đã có tác động tích cực.
Lãnh đạo NHNN tỉnh Tây Ninh cho biết, đến cuối tháng 4.2009 tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh là 1.954 tỷ đồng với hơn 21.700 khách hàng vay. Trong đó có gần 1.837 tỷ đồng dư nợ cho vay ngắn hạn và khoảng 80 tỷ đồng dư nợ cho vay trung và dài hạn. Trong tổng số khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất có 513 doanh nghiệp và hơn 21.000 hộ sản xuất- kinh doanh. Phân theo ngành nghề sản xuất- kinh doanh thì ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ có dư nợ vay vốn được hỗ trợ lãi suất nhiều nhất- hơn 950 tỷ đồng, kế đến là ngành nông lâm ngư nghiệp- dư nợ hơn 510 tỷ đồng, ngành công nghiệp chế biến- dư nợ hơn 310 tỷ đồng…
Chế biến khoai mì đang hồi phục |
Theo nhận định ban đầu của NHNN tỉnh, trong thời gian qua chính sách đã góp phần giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho, dự trữ thêm nguyên liệu đầu vào… Từ đó, các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất- kinh doanh, duy trì hoạt động và việc làm cho công nhân. Tuy nhiên cũng theo lãnh đạo NHNN tỉnh, thực tế vẫn còn một số hạn chế đáng quan tâm. Trước tiên là mức hỗ trợ lãi suất các khoản vay ngắn hạn quy định là 4% trong 1 năm, nhưng thời gian được hỗ trợ lãi suất chỉ có 8 tháng, nên các đối tượng được hưởng chính sách thực tế chỉ được hỗ trợ có 2,66% lãi suất mà thôi. Mức hỗ trợ này chưa nhiều- nhất là đối với những hộ sản xuất vay vốn ít thì càng không đáng kể. Việc quy định mức tiền cho vay tối đa đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp là 7 triệu đồng/ha và đối với vật liệu xây dựng để làm nhà không vượt quá 5 triệu đồng thì vẫn chưa phù hợp, bởi vì theo quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì có thể cho vay từ 50 đến 80% nhu cầu vốn vay tuỳ theo tổ chức tín dụng. Riêng các hộ sản xuất vay vốn ở các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thì không được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất do quỹ tín dụng cơ sở không thuộc đối tượng tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Điều này đã gây thiệt thòi cho các hộ quan hệ vay vốn ở các quỹ tín dụng cơ sở, trong đó hầu hết là các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp.
Những khó khăn, hạn chế nêu trên đã được UBND tỉnh và NHNN tỉnh kiến nghị với Trung ương, nhưng đến nay chưa có sự điều chỉnh. Giữa tháng 5 vừa qua, NHNN tỉnh có báo cáo với Đoàn ĐBQH Tây Ninh về tình hình thực hiện chính hỗ trợ lãi suất, đồng thời đề nghị Đoàn ĐBQH tiếp tục kiến nghị đến Quốc hội trong kỳ họp tới.
S.T